Bệnh gout
Nguyên nhân gây ra bệnh Gout
Bệnh gout là hậu quả của chuyện axít uric tăng trong máu rồi kết tủa trong khớp. Có nhiều lý do khiến axít uric bội tăng, hoặc do cách ăn uống không được khoa học nên rất dễ mắc bệnh
Vậy nguyên nhân do đâu gây ra bệnh gout?
- Hoại huyết như sau cơn sốt rét, sau lần chấn thương.
- Tiêu thụ quá nhiều chất đạm từ lòng heo, thịt mỡ, da gà, cá nục, cá mòi, lạp xưởng...
- Uống quá ít nước khi đổ mồ hôi lại thêm thói quen nín tiểu trong giờ làm việc.
- Bị bệnh biến dưỡng như tiểu đường, cường tuyến giáp... không điều trị rốt ráo.
- Lạm dụng dược phẩm như thuốc cảm, thuốc corticoid...
- Có bệnh trên đường tiết niệu như phì đại tiền liệt tuyến, viêm bàng quang...
- Và nhất là lạm dụng rượu bia.
Nếu lược lại các nguyên nhân gây ra bệnh gout vừa kể ở trên thì muốn giảm axít uric không thể chỉ trông mong vào thuốc đặc hiệu. Trong nhiều trường hợp, người bệnh thậm chí giữ vai trò quyết định vì phải chủ động thay đổi một số thói quen trong nếp sinh hoạt. Chỉ thụ động trông mong vào tác dụng hạ axít uric của thuốc đặc hiệu thì không lạ gì nếu bệnh thống phong ăn mòn xương khớp. Sửa điều trị là danh từ kép. Bệnh nhân không “sửa” được thì thầy thuốc khó “điều trị”. Mức độ tăng axít uric trong máu tỉ lệ thuận với số lần ăn canh chua bạc hà trong tuần
Triệu chứng khi bệnh nhân bị bệnh Gout
Thầy thuốc có kinh nghiệm điều trị bệnh gút đều rõ là nhiều bệnh nhân bị tăng axít uric trong máu, thậm chí rất cao nhưng không hề uống bia, cũng không lạm dụng thịt mỡ. Lý do phải “núp” trong món ăn nào đó được dùng rất thường. Kết quả nghiên cứu trên nhiều nhóm đối tượng cho thấy axít uric tăng rất cao ở người mạnh miệng với món canh chua bạc hà. Mức độ tăng axít uric trong máu rõ ràng tỉ lệ thuận với số lần ăn canh chua bạc hà trong tuần. Khi thống kê về cơn đau tá hỏa do sạn khớp thì 70% trường hợp phát bệnh sau một bữa ăn nặng ký với canh chua bạc hà! Càng trầm trọng hơn nữa nếu đối tượng vừa mạnh miệng với canh chua bạc hà lại thêm thói quen uống bia. Bằng chứng là lượng axít uric trong máu của người tuy uống bia nhưng không thích món này thấp hơn thấy rõ nếu so với nhóm vướng cả 2, canh lẫn bia. Đáng nói hơn nữa là xét nghiệm của hơn 60% số người trước đó có lượng axít uric trong máu tăng cao trở lại bình thường sau 2 tuần tuy không dùng thuốc nhưng ngưng món canh chua bạc hà, ngay cả khi vẫn dùng canh chua nhưng không nấu với bạc hà. Trên 2 nhóm thử nghiệm được điều trị bằng thuốc đặc hiệu với liều lượng như nhau có thể giảm đến phân nửa lượng thuốc hằng ngày trên nhóm cữ món có bạc hà trong suốt liệu trình. Không những thế, kiểm soát lượng axít uric trong máu 2 tháng sau khi đã điều trị ổn định cho thấy tình trạng tái phát chỉ xảy ra ở 1/4 số bệnh nhân dùng canh chua bạc hà một cách tiết độ theo kiểu mỗi tuần một lần. Canh chua bạc hà vốn dĩ là món ăn có tác dụng thực dưỡng cho người biếng ăn nhưng món này dễ dàng trở thành thuốc độc cho khớp nếu lạm dụng theo kiểu tuần ăn chỉ có... 7 lần! Biết là ngon nhưng vẫn phải né khi có bệnh. Khéo hơn nữa là ăn sao cho đừng bệnh khi chưa bệnh.
Theo BS Lương Lễ Hoàng (Người lao động)