Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần B

Bàng

15:05 18/05/2017

Bàng có tên khác: Quang lang.

Tên nước ngoài: Indian almond - tree, tropical almond (Anh); badamier (Pháp).

Họ: Bàng (Combretaceae).

Mô tả

Cây to, cao 8 - 10 m, có khi hơn. Thân phân cành nằm ngang gần như mọc vòng làm thành nhiều tầng. Lá to, mọc so le, cuống ngắn, hình trứng ngược, gốc thuôn, đầu tròn hơi có mũi nhọn, dài 20 - 30 cm, rộng 10-13 cm, mặt trên nhẵn bóng, mặt dưới nhạt, hơi có lông màu hung nhạt, gân phụ chằng chịt men theo phiến đến tận đầu lá; cuống lá có lông màu hung.

Cụm hoa mọc thành chùm ở kẽ lá gần ngọn, dài 15 - 20 cm; hoa nhỏ nhiều, màu trắng lục; đài có 5 răng rụng sớm, gốc có 5 tuyến màu nâu; không có tràng; nhị 10, cao hơn dài; bầu hạ một ô, chứa hai noãn đảo.

Quả hạch, hình trứng dẹp, đầu múp nhọn, hai mép mòng, khi chín màu vàng.

Mùa hoa: tháng 4-5; mùa quả: tháng 6-7.

Bàng và tác dụng chữa bệnh của nó 

Phân bố, sinh thái

Chi Terminalia L. có khoảng 150 loài trên thế giới, hầu hết là cây gỗ, rụng lá, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ở Việt Nam, có 11 loài, trong đó có những loài rất đáng chú ý, như chò xanh (Terminalia myriocarpa Van Henrek et Muell. - Arg.) là một loài cây gỗ rất to, cao tới 30 - 40m (ở Cúc Phương) hoặc cây bàng quen thuộc đối với nhiều nơi. Bàng là một cây nhiệt đới, có nguồn gốc ở vùng Nam Á.

Ở Ấn Độ, cây mọc tự nhiên ở ven rừng và cả ở những nơi đất khô cằn có nhiều sỏi cát. Cây còn được trồng để lấy bóng mát xung quanh các khu dân cư. Bàng phân bố cả ở Malaysia, Thái Lan, Lào... Ở Việt Nam, không thấy bàng mọc trong trạng thái tự nhiên. Cây được trồng nhiều ở các khu đô thị, ven đường đi hoặc trong các đình chùa để lấy bóng mát, trừ vùng núi cao.

Bàng là cây gỗ mọc nhanh, cây trồng từ hạt sau 1 năm có thể cao tới 2 m. Sau 10-15 năm, cây sinh trưởng chậm đi rất nhiều, rụng lá hoàn toàn vào muà đông, ra hoa quả nhiều hàng năm. Tỷ lệ hạt nảy mầm cao.

Cách trồng

Bàng có khả năng chịu hạn, không kén đất, ưa ánh sáng, được nhân giống từ hạt.

Hàng năm, vào tháng 8 - 9, hạt bàng chín rụng xuống gốc rồi mọc thành cây. Hiện nay, nhiều nhà ươm giống thu lượm hạt già về gieo ươm thành cây con để bán cho người trồng. Cây giống được 1-2 năm tuổi cao từ 0,5 đến 1,5 m là trổng tốt. Thời vụ trồng bàng tốt nhất là trước hoặc sau Tết nguyên đán (thường trồng vào dịp "tết trồng cây"). Bàng là cây gỗ lâu năm, tán rộng, cành lá xum xuê nên phải trồng thưa, cây nọ cách cây kia ít nhất 10 - 15 m. Khi trồng, cần đào hố to nhỏ tùy theo độ lớn của cây giống, bón lót một ít phân chuồng hoặc phân rác mục rồi đặt cây giống, lấp đất, dận chặt gốc và tưới nước.

Theo kinh nghiệm của nhân dân một số nơi, không nên lấp đất đầy hố mà chỉ lấp đến lưng chừng đủ để giữ cho cây đứng thẳng và phủ gốc bằng cây bèo tây để giữ ẩm. Có thể cắm cọc giữ cho cây không bị gió lay và rào xung quanh gốc để bảo vệ. Bàng không cần chăm sóc nhiều, ít sâu bệnh. Trong 1 - 2 năm đầu, có thể làm cỏ xung quanh gốc vài lần, cây lớn đến đâu vun gốc dần đến đó cho đến khi đầy hố. Về mùa đông, bàng rụng lá, người ta thường dùng vôi tôi hòa với nước quét xung quanh gốc để bảo vệ.

Bộ phận dùng

Vỏ, lá và hạt.

Thành phần hóa học

Vỏ thân cây bàng chứa 25 - 35 % tanin pyrogalic và tanin catechic. Lá chứa corilagin, acid galic, acid elagic, brevifolin carboxylic acid, vỏ và gỗ chứa acid elagic, acid galic, (+) - catechin, (-) - epicatechin và (+) - leucocyanidin, nhân chứa 52,02% chất béo, 25,42% protein, 5,98% đường.

Chiết bằng dung môi, nhân bàng cho 52% dầu béo (nếu đem ép thì chỉ được 38%). Dầu béo có những tính chất như sau: d 0,9095, Up81,4649, chỉ số acid 2,07, chỉ số xà phòng 188, chỉ số iod 76,16.

Thành phần dầu gồm acid myristic 1,62%, acid palmitic 55,49 %, acid stearic 6,34%, acid oleic 23,26%, acid linoleic 7,55%. Bã còn lại chứa albumin 8%, globulin 15%, prolamin không đáng kể và glutelin 1,5%. (The Wealth of India X, 1976). Tại Somali, theo Sosulski F.VV và cs, 1988, mỗi hecta trồng bàng cho 10 tấn quả (thu hoạch 2 vụ).

Tác dụng dược lý

Cao vỏ thân bàng (bỏ lớp đen ở ngoài) có tác dụng lợi tiểu, cường tim, làm săn. Cao methanol có tác dụng giảm co bóp ruột thỏ cô lập.

Tính vị, công năng

Lá bàng tính mát, vỏ cây và vỏ quả có tác dụng làm săn da và niêm mạc, hạt có vị ngon, béo.

Công dụng

Trong y học, búp và lá bàng non chữa cảm sốt, làm ra mồ hôi, chữa tô thấp, đau nhức, ghẻ, sâu quảng, sâu răng. Ngày 20 - 30g sắc uống, vỏ thân (bỏ lớp đen ở ngoài) chữa kiết lỵ, tiêu chảy, vết thương, vết loét. Ngày 12 - 15g, sắc uống.

Dùng ngoài, vỏ thân hoặc búp bàng không kể liều lượng, sắc đặc rửa vết thương,vết loét.

Nhân hạt bàng 20g sao vàng, sắc uống, chữa đi ngoài ra máu. Trong công nghiệp, vỏ quả và vỏ thân bàng để thuộc da.

Lá bàng để nhuộm màu cứt ngựa hoặc màu đen. Hạt bàng để ép dầu dùng thay dầu thảo mộc khác để chạy máy tinh vi.

Theo bằng sáng chế của Prazeres Emứ Santana (CA 122, 1995 248344), vỏ bàng được dùng dưới dạng cao hay cồn thuốc để trị hen phế quản đặc biệt cho trẻ em.

Bài thuốc có bàng

1. Chữa cảm sốt, làm ra mồ hôi: Búp hoặc lá bàng non, lá hương nhu, cúc tần, mỗi vị 10 g sắc uống.

2. Chữa ghẻ và sâu quảng: Búp bàng non, phơi khô, tán thành bột mịn, rắc.

3. Chữa đau nhức, tê thấp: Búp bàng non dùng tươi, xào nóng chườm vào chỗ đau.

4. Chữa sâu răng, viêm quanh răng: Búp non hoặc vỏ thân bàng sắc đặc. vỏ thân có thể ngâm rượu, ngậm, ngày 3 lần.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC