Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần C

Chè Rừng

16:04 19/04/2017

Tên đồng nghĩa: Phyla nodiflora (L.) Greene

Tên khác: Lứt lan, dây lức, dây lưỡi, sài đất giả.

Tên nước ngoài: Verveine sauvage, verveine du pays, fraise de mer (Pháp).

Họ: Cỏ roi ngựa (Verbenaceae).

Mô tả

Cây thảo, sống lâu năm, mọc bò lan, phân cành nhiều. Thân cành gần như vuông, nhẵn hoặc có ít lông, có rãnh dọc, màu đỏ tím nhạt, bén rễ ở các mấu.

Lá mọc đối, phiến lá men theo cuống đến tận gốc, đầu tù hơi nhọn, dài 2 - 3,5 cm, rộng 0,7 - 2,5 cm, mép có 4 - 5 đôi răng sâu ở nửa phía đầu lá; cuống không có hoặc rất ngắn.

Hoa nhỏ màu lơ nhạt hoặc trắng tụ tập thành bông hình cầu (sau dài ra) ở kẽ lá; cuống cụm hoa dài 2 - 3cm; đài và tràng đều chia 2 môi không bằng nhau; ống tràng hình trụ mảnh; nhị 4 ngắn, không đều nhau; bầu nhẵn có 2 ô, mỗi ô chứa một noãn.

Quả nang, hình trứng nhẵn, màu nâu đen.

Mùa hoa quả: tháng 3-6.

Có địa phương dùng chè rừng thay sài đất nên gọi là sài đất giả. Tránh nhầm lẫn.

Phân bố, sinh thái

Lippia L. là một chi lớn, gồm các dạng sống là cây bụi và cây bụi nhỏ; chỉ có một số ít loài là cây thảo, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, châu Á. Ở Ấn Độ có 5 loài; Việt Nam, 5-6 loài, trong đó chỉ có một loài là cây chè rừng được dùng làm thuốc. Chè rừng ưa ẩm và ưa sáng, thường mọc xen lẫn với các loại cỏ dại khác trên các bãi cỏ ven đường, bãi bằng trong thung lũng, bò nương rẫy và thậm chí ở cả vườn nhà. Vùng phân bố của cây tương đối rộng, từ các tỉnh vùng núi, trung du, đồng bằng đến một số hải đảo. Chè rừng thuộc loại cỏ mọc nhanh. Cây con mọc từ hạt vào khoảng tháng 3-4 hàng năm và sau 2-3 tháng đã tạo nên một đám nhỏ, bởi khả năng phân nhánh và bò lan trên mặt đất. Cá biệt có những cây mọc trên đất khô, sau mùa hoa quả thường tàn lụi vào mùa đông.

Bộ phận dùng

Toàn cây chè rừng, thu hái vào tháng 6 - 7 và tháng 9-10, rửa sạch, phơi khô.

Thành phần hóa học

Phần trên mặt đất của cây chè rừng có 15 hợp chất flavonoid trong đó 3 chất ở dạng tự do là nepetin, jaceosidin và hispodilin; 12 hợp chất  flavonoid ester của acid sulfuric là hispodulin - 7 - sulfat, hispidulin - 4' - sulfat, nepetin - 7 - sulfat, jaceosiclin - 7 sulfat, 6 - hytroxyluteolin - 7 sulfat, 6 - hydroxyluteolin - 6 - sulfat, nodifloretin - 7 sulfat, 6 - hydroxyluteolin - 6 - sulfat nodifloretin - 7 sulfat, 6 - hydroxy - luteolin - 6 7 disulfat, nodifloretin - 6 - 7 - disulfat.

Ngoài ra, còn có tinh dầu gồm p - pinen, terpi - nolen, terpinen, a - copaen, p - caryophyllen, a - bergamoten, p - bisabolen, 5 - cadinen, 4, 10 - dimethyl - 7 - isopropylcyclo [4, 4, 0] 1,4 - decadien và calamenen, 1 - octen - 3 - on, 1 - octen - 3 - ol, linalol, p.cvmen 8 - ol, methyl salicylat, a - tcrpineol, dihydrobenzofuran, carvon, thymol, isothymol và eugenol.

Hoa có 3 chất flavon dạng tự do là 6 - hydroxyluteolin, nepctin và batatifolin (nodiíloretin) và 2 flavon glycosid là 6 - hydroxyluteolin - 7 - 0 - apiosíd và lutcolin - 7 - 0 glucosid, (Barnabas c. và cs, 1980; CA 94: 44062s).

Tác dụng dược lý

1. Tác dụng kháng khuẩn:

- Nước chiết cồn chè rừng có tác dụng kháng khuẩn với Escherichia coli. 

- Tinh dầu chè rừng thử trên đĩa thạch các chủng vi khuẩn gram dương như Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus; gram âm như Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli và các nấm Microsporum glutamicum, M.canis, Aspergillus niger, A. fumigatus, Candida albicans, Trychophyton rubrum. Kết quả : tinh dầu có tác dụng tốt trên vi khuẩn gram dương, tác dụng kém với gram âm và ức chế được tất cả các nấm.

2. Tác dụng diệt côn trùng: Dịch chiết toàn cây chè rừng không có tác dụng trên ruồi (Musca domestica) và Tribolium castereum.

Tính vị, công năng

Chè rừng có vị cay, hơi đắng, tính bình, có tác dụng hạ sốt, lợi tiểu, tiêu viêm, giảm đau.

Công dụng

Chè rừng được dùng chữa cảm sốt, cảm lạnh, sốt rét, viêm hạnh nhân cấp, viêm lợi có mủ, đau răng, ho, ho ra máu, lỵ, chấn thương bầm dập. Ngày 15 - 30g sắc uống.

Dùng ngoài: cây tươi, rửa sạch, giã nát, đắp trị mụn nhọt, viêm da mủ, eczema, zona, bỏng.

Nhân dân thường dùng cành lá nấu nước uống thay trà, làm thuốc giúp ăn uống dễ tiêu và chữa rối loạn tiêu hóa ở trẻ em.

Ở Ấn Độ, người ta cũng dùng chè rừng làm thuốc đắp trị mụn nhọt; lá và chồi non sắc lấy nước cho trẻ em uống khi ăn uống không tiêu và cho phụ nữ uống sau khi đẻ. Nước sắc của cây còn chữa bí, tắc đường niệu, đau khớp gối.

Bài thuốc có chè rừng

1. Chữa viêm hạnh nhân cấp:

Chè rừng 30 - 60g, sắc đặc, ngậm và nuốt dần.

2. Chữa viêm lợi có mủ:

Chè rừng, rau má, cỏ xước, chua me đất hoa vàng, mỗi vị 30g cây tươi, sắc lấy nước, ngậm rồi nuốt dần.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC