Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần M

Muống Biển

14:05 23/05/2017

Ipomcsa pes - caprae (L.) Sweet

Tên đồng nghĩa: Ipomoea biloba Forsk.

Tên khác: Rau muống biển.

Tên nước ngoài: Bilobed morning glory, goat's foot creeper, sea morning glory (Anh), patate de mer, liseron maritime, ipomée pied - de - chèvre (Pháp).

Họ: Bìm bìm (Convolvulaceae).

Mô tả

Cây thảo mọc bò, bén rễ ở những mấu. Cành nhẵn, cạnh, có khía. Lá gần hình vuông, dài 5-8 cm, rộng 4-7 cm, gốc tù hoặc bằng, đầu lõm chia hai thuỳ, hai mặt nhẵn, thuỳ tròn, gân lá chằng chịt thành mạng; cuống lá dài 5 - 8 cm. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, có cuống dài, ít hoa; hoa hình phễu, màu hồng; đài nhỏ; tràng hợp có cánh mỏng, nhị dính nhau ở gốc, chỉ nhị không đều, phình và có lông ở gốc; bầu nhẵn, 2 ô.

Quả nang, hình cầu, đường kính 2 cm; hạt 4, có 3 cạnh, có lông thô ở trên các cạnh.

Toàn cây có nhựa mủ.

Mùa hoa quả: tháng 7-8.

Muống biển và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Ipomoea L. là một chi lớn gồm hầu hết là cây mọc bò hay leo quấn, phân bố rộng rãi ở vùng nhiệt đới. Một số loài có ở vùng ôn đới ấm. Ở Việt Nam, chi này có 35 loài, một số loài là cây trồng như khoai lang, rau muống ... còn lại đều là cây mọc tự nhiên.

Muống biển là loài cây nhiệt đới chỉ thấy ở vùng ven biển. Cây phân bố từ vùng Madagasca phát triển về phía đông, bao gồm tất cả các quốc gia và hải đảo ở Ân Độ Dương sang Thái Bình Dương và đảo Hải Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, muống biển có ở các đảo và các tỉnh dọc theo bờ biển. Cây thường mọc thành đám dày đặc có khi tới hàng ngàn mét vuông trên các bãi cát rộng. Người ta cho rẳng muống biển cùng với loài cỏ gấu biển và các loài cỏ cứng khác là cây tiên phong đã tạo nên các quần hệ thực vật lấn dần ra biển trong quá trình diễn thế tự nhiên.

Cây ưa sáng, chịu được mặn của nước biển, song cũng có thể trồng được trên đất có pH trung tính trong đất liền. Cây ra hoa quả và đẻ nhánh nhiều hàng năm, tái sinh khoẻ sau khi bị cắt hoặc giẫm đạp.

Bộ phận dùng

Toàn cây, thu hái vào mùa hạ trước khi cây có hoa, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hoá học

Toàn cây muống biển chứa chất nhầy, tinh dầu 0,05%, chất nhựa 7,3%, chất đắng, chất màu đỏ. Ngoài ra còn có peniatriacontan, triacontan, một chất sterol, các acid behenic, melissic, butyric và myristic (The Weath of India, V, 1959). Ngoài ra còn có các hợp chất phenolic như eugenol - (-) melcin.

Lá chứa hai hợp chất actinidol la và Ib (Pongpra - yoon Ư. và cs, 1992; CA 117. 62536x).

Tác dụng dược lý

Cao chiết với ether dầu hoả từ sản phẩm cất kéo hơi nước của lá muống biển có tác dụng đối kháng với chất độc của con sứa trên cơ trơn hồi tràng cô lập chuột lang. Trong nghiên cứu lâm sàng, cao này làm giảm triệu chứng viêm da do bị sứa cắn. Cao muống biển đắp tại chỗ óc chế phù chân chuột cống trắng gây bởi caragenin cũng như phù tai chuột gây bởi acid arachidonic và ethyl phenyl propionat.

Tách phân đoạn bằng sắc ký thu được terpenoid như actiniđol. Trong thử nghiệm in vitro, cao này ức chế sự tạo thành prostaglandin với cùng hiệu lực như aspirin, nhưng yếu hơn indomethacin. Sự phân đoạn bằng sắc ký hướng dẫn bởi thử nghiệm này dẫn đến phân lập được những hợp chất phenolic như eugenol và (-) - melein. Điều đó chứng tỏ muống biển có tác dụng chống viêm.

Một cao chiết từ cây muống biển được nghiên cứu về khả năng trung hoà tác dụng độc của nọc độc con sứa. Khi ủ cao muống biển với nọc sứa, nó ức chế tác dụng của nọc sứa, với IC50 (nồng độ ức chế 50%) xê dịch trong phạm vi 0,3 - 0,8 mg cao muống biển cho 1 mg nọc sứa về tác dụng gây thuỷ phân protein va với IC50 khoảng 10 lần thấp hơn về sự trung hoà tác dụng gây tan huyết. Những tác dụng này của cao muống biển xác minh hiệu quả điều trị viêm da do sứa cắn.

Toàn bộ cây muống biển có tác dụng trên hệ tim mạch. Cao cồn lá muống biển kích thích giải phóng insulin từ đảo Langerhans in vitro phụ thuộc vào liều. Cho chuột bình thường uống cao trong 7 ngày gây giảm đường máu cùng với sự tăng tương ứng insulin huyết thanh và hàm lượng glycogen gan, và giảm hoạt tính của glucose- 6- phosphatase. Trong thử nghiệm dung nạp glucose, sau khi cho động vật đã nhịn ăn qua một đêm uống l,75g glucose cho 1 kg thể trọng, thấy cao muống biển có tác dụng làm tăng khả năng dung nạp glucose.

Tính vị, công năng

Rễ và thân lá muống biển có vị đắng, tính bình, có tác dụng giảm đau, giải độc, lợi tiểu.

Công dụng

Nhân dân dùng muống biển làm thuốc chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, tê thấp, chân tay đau nhức mỏi, phù thũng, đau bụng. Ngày dùng 12 g rễ hoặc thân lá phơi khô, hoặc 30 g tươi, sắc uống. Dùng ngoài, lá muống biển tươi giã nát đắp lên các vết loét, mụn nhọt đang mưng mủ. Hoặc phơi khô tán nhỏ rắc lên những chỗ bị bỏng. Ở Ân Độ, muống biển được coi là thuốc làm săn, lợi tiểu, nhuận tràng, trị bệnh da. Ở Thái Lan, muống biển trị thương tổn da do con sứa gây nên. Ở Campuchia, lá đắp ngoài trị thấp khớp, phù và cơn đau bụng; dịch ép lá dùng làm thuốc lợi tiểu. Nhân dân ở đây còn dùng lá muống biển giã nhỏ trộn với lá dây đau xương, củ sả và vỏ dừa, đốt lấy khói xông lên chỗ trĩ hậu môn.

Ở Đông Malaysia, nhân dân dùng lá giã nát đắp trị vết thương sưng, loét và nhọt độc. Ở Malaysia và Indonesia, dịch ép thân cây đắp trị cá cắn; dịch ép khô của rễ làm thuốc tẩy. Ở Mianma, lá muống biển nấu giã nát đắp lên rốn để chữa đau bụng. Ỏ Philippin, Lá giã nát gói vào vải sạch, hơ thật nóng đắp vào chỗ sưng đau. Ở Madagascar, lá muống biển tri sưng trong sa hậu môn, và viêm đầu ngón tay. Hạt trị đau dạ dày và co cứng cơ.

Bài thuốc có muống biển

Chữa rắn độc cắn:

Thân lá muống biển, củ cói chiếu, rễ cỏ gừng mỗi vị 40g; thân rễ địa liền, rễ đậu rồng, củ hành nén, mỗi vị 20g; cóc kèn 3 quả, muối ăn (l dúm nhỏ). Tất cả thái nhỏ, phơi khô tán bột. Khi dùng hãm với nước sôi, lọc. Uống làm 2 lần, mỗi lần cách nhau 30 phút. Trẻ em dưới 15 tuổi, uống làm 4 lần. Trong trường hợp cấp cứu có thể dùng tươi giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp.

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC