Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần T

Thông Đất

10:05 18/05/2017

Lycopodium cernuum L.

Tên khác: Thạch tùng nghiêng.

Tên nước ngoài: Nodding club - moss (Anh), lycopode penché (Pháp).

Họ: Thông đá (Lycopodiaceae).

Mô tả

Cây thảo, sống lâu năm, mọc ở đất, cao 30 - 50 cm. Thân hóa gỗ, hình trụ, hơi có rãnh, lúc đầu mọc bò ngang, bén rễ ở những mấu, sau mọc đứng và phân cành. Lá nhỏ, hình dải, hướng lên, xếp theo đường xoắn ốc, chỉ có một gân.

Bông hình trụ, màu nâu nhạt, mọc thõng xuống ở đầu cành, mang nhiều lá bào tử hình tam giác, đầu nhọn; túi bào tử nằm ở kẽ lá bào tử, gần hình cầu, mở thành hai mảnh không bằng nhau; bào tử rất nhỏ.

Mùa sinh sản : tháng 3-7.

Phân bố, sinh thái

Chi Lycopodium L. gồm các loài là thân thảo, phân bố rải rác từ vùng ôn đới ấm đến vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở Ân Độ có 32 loài; Việt Nam gần 10 loài.

Trên thế giới, thông đất chỉ thấy ở một số nước châu Á, như Trung Quốc, Mianma, Lào, Ấn Độ, Xrilanca, Việt Nam...

Ở Việt Nam, thông đất phân bố khắp các tỉnh miền núi và trung du, cây thương mọc lẫn với các loại cây bụi và cỏ thấp trong các quần hệ thực vật ở đồi, ven rừng, bờ nương rẫy, ven đường đi và các sa van cỏ.

Thông đất là cây chịu hạn tốt, có thể mọc được trên nhiều loại đất, kể cả đất chua, khô cằn trơ sỏi đá. Với khả năng mọc chồi khỏe từ thân rễ, cây dễ dàng tạo thành những đám lớn, có tác dụng chống xói mòn. Do đó ở Ân Độ, người ta đã trồng thông đất để phủ đất cho cao su. Thông đất sinh sản bằng bào tử; bào tử phát tán nhờ gió và nước.

Bộ phận dùng

Toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô.

Thành phần hóa học

Thông đất chứa 1 alcaloid là cernuin (Ci6II:6ON2) với điểm chảy là 106°c, một lượng nhỏ nicotin và một base có điểm chảy 218°c, nhưng chưa xác định dược cấu trúc hóa học.

Tác dụng dược lý

Theo tài liệu nước ngoài, thí nghiệm trên ống kính, thông đất có tác dụng ức chế một số vi khuẩn. Còn có tác dụng lợi tiểu, chống co thắt và giảm đau. 

Tính vị, công năng

Thông đất có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, vào các kinh can, tỳ, thận, có tác dạng khư phong thấp, thư kinh lạc, hoạt huyết, chỉ huyết, thanh can, minh mục, tiêu viêm.

Công dụng

Trong y học cổ truyền, thông đất được dùng chữa phong thấp, tê đau, viêm gan cấp tính, kiết lỵ, mắt đỏ, nôn ra máu, đại tiện ra máu, chảy máu mũi, vết thương do đâm chém, vết bỏng.

Ở Malaysia, nước sắc cây thông đất chữa bệnh tê phù (beri - beri), ho, đau ngực. Tro đốt từ cây trộn với nước, chườm tại chỗ chữa phát ban ở da.

Ở Trung Quốc, nhân dân một số vùng dùng nước sắc thông đất tắm cho trẻ em để phòng tránh mụn nhọt, mẩn ngứa.

Liều dùng : ngày 6 - 15g cây khô hoặc 30 - 60g cây tươi, sắc nước uống. Dùng ngoài, rửa vết thương bằng nước sắc hoặc dùng bột rắc. Phụ nữ có mang không được dùng.

Bài thuốc có thông đất

1. Chữa kiết lỵ :

Thân và lá thông đất (tươi) 30 - 60g, đường đỏ 15g. Sắc nước, chia làm 2 lần uống trong ngày.

2. Chữa hư lao, ho, nôn ra máu, tiểu tiện khó, di tinh :

Thông đất 30g, dạ dày lợn khoảng 50g. Nước vừa đủ. Ninh nhừ trong 2 giờ, mỗi ngày ăn một lần.

3. Chữa mụn nhọt :

Thông đất sao khô, nghiền thành bột, thêm dầu vừng, băng phiến. Trộn đều, bôi tại chỗ.

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC