Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần K

Khổ sâm

10:05 20/05/2017

Croton tonkinensis Gagnep.

Tên khác: Cù đèn, co chạy đón (Thái).

Tên nước ngoài: Croton du Tonkin, croton du Nord Vietnam (Pháp).

Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, cao 1 - 2 m. Cành non mảnh. Lá mọc so le hoặc gần như mọc đối, có khi tụ họp nhiều lá như kiểu mọc vòng, hình mũi mác, gốc hơi tù, đầu thuôn nhọn, dài 5-9 cm, rộng 1-3 cm, hai mặt có lông hình khiên, óng ánh như lá nhót, dày hơn ở mặt dưới, 3 gân chính toả từ gốc lá cùng với 2 tuyến dạng răng nhỏ; cuống lá cũng có lông hình khiên.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành, dài 2-7 cm, gồm cả hoa đực và hoa cái hoặc cụm hoa đực và cái riêng; lá bắc hình vảy rất nhỏ; hoa đực có cuống ánh bạc, 5 lá đài hình bầu dục, 5 cánh hoa thuôn hình dải, có lông mịn ở mép, nhị 12, chỉ nhị có lông tơ ở phần dưới; hoa cái có 5 lá đài hình bầu dục - mũi mác, bầu hình cầu thuôn dần ở đỉnh.

Quả nang gần hình cầu, khi khô nút thành 3 mảnh, trên đỉnh mỗi mảnh có một bướu nhỏ, màu hung đỏ, có lông ánh bạc; hạt hình trứng, có mỏ, màu nâu hung.

Mùa hoa quả : tháng 5-8.

Khổ sâm và tác dụng chữa bệnh của nó

Cây dễ nhầm lẫn:

Cây xoan rừng (Brucea javanica (L.) Merr.) thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae) cũng mang tên khổ sâm (xem Xoan rừng).

Phân bố, sinh thái

Croton L. là một chi lớn có khoảng 800 loài trên thế giới, phân bố phổ biến khắp các vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam có 31 loài (Nguyễn Nghĩa Thìn, 1995). Trong đó, khổ sâm chủ yếu là cây trồng, đôi khi cũng thấy mọc tự nhiên ở vùng đồi cây bụi các tỉnh phía bắc (Võ Văn Chi, 1997).

Khổ sâm thuộc loại cây bụi, ưa sáng và có thể hơi chịu hạn. Cây rụng lá hàng năm về mùa đông, sinh trưởng mạnh vào hè - thu, ra hoa quả nhiều, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt và cây chồi sau khi chặt.

Cách trồng

Khổ sâm được trồng rải rác ở nhiều nơi để làm thuốc và làm cảnh. Trồng bằng cành hoặc bằng hạt vào tháng 2-3. Cây không kén đất, chỉ cần không úng ngập. Trồng ở vườn với khoảng cách 1 - 1,5 m, còn được trồng trong chậu. Cây có khả nàng chịu hạn tốt, không bị sâu bệnh.

Bộ phận dùng

Lá, thu hái khi cây đang có hoa, phơi khô.

Thành phần hóa học

Lá khổ sâm chứa alcaloid toàn phần 0,32% flavonoid toàn phần 2,78%, tanin, hợp chất polyphenol (Bế Thị Thuấn và cs, 1995).

Từ lá, đã phân lập được 6 alcaloid (Phạm Hoàng Ngọc và cs, 1996).

Phan Tống Sơn và cs, 1999 đã phân lập được từ lá một chất được nhận dạng là ent - 7ß, 18 - dihydroxy - 16 - kauren - 15 - on 18 acetat (I).

Tác dụng dược lý

Khổ sâm có tác dụng kháng sinh đối với trực khuẩn lỵ và đồng thời có tác dụng kháng amip lỵ, làm đơn bào co thành kén. Khổ sâm còn có tác dụng an thần, lợi tiểu, chống dị ứng và có tác dụng bảo vệ nâng cao tỷ lệ sống đối với nhóm động vật được tiêm liều chết nọc rắn hổ mang.

Nước sắc của bài thuốc gồm khổ sâm và vỏ bưởi có tác dụng ức chế ký sinh trùng sốt rét mạnh trên động vật thí nghiệm được gây nhiễm sốt rét, nhưng tái phát trong thời gian 10 ngày theo dõi. Trên mô hình thực nghiệm chuột nhắt nhiễm Plasmodium berghei và gà nhiễm Plasmodium gaỉlinaceum, alcaloid chiết xuất từ khổ sâm không thể hiện rõ tác dụng chống sốt rét in vivo.

Một bài thuốc khác gồm lá khổ sâm và vỏ bưởi đào dưới dạng nước sắc và sirô đã được thử nghiệm trên 59 bệnh nhân sốt rét và thấy thuốc có tác dụng hạ sốt, làm giảm mật độ ký sinh trùng ở bệnh nhân nhưng tác dụng yếu, không rõ rệt, đồng thời không có tác dụng phụ.

Bài thuốc gồm khổ sâm và 3 vị thuốc khác dưới dạng nước sắc để rửa âm đạo trong điều trị sa sinh dục, phối hợp với bài thuốc uống và bài thuốc đặt ở âm đạo, đạt kết quả khá tốt.

Flavonoid từ lá khổ sâm có tác dụng kháng khuẩn in vitro. Alcaloid toàn phần lá khổ sâm ức chế sự phát triển của Plasmodium berghei và p. falciparum in vitro. Khổ sâm có tác dụng chống oxy hóa in vitro.

Tính vị, công năng

Khổ sâm có vị đắng, hơi ngọt, hơi chát, mùi hơi hắc, tính mát, có tác dụng sát khuẩn, thanh nhiệt, tiêu độc.

Công dụng

Khổ sâm được dùng trị ung nhọt, sang lở, chốc đầu (sắc uống và rửa ngoài), đau bụng khó tiêu, lỵ, viêm loét dạ dày, tá tràng. Ngoài ra, khổ sâm còn được dùng trong các phương thuốc chữa mẩn ngứa, phong hủi, vảy nến, viêm âm đạo trùng roi và sa sinh dục (sắc uống và rửa ngoài). Liều dùng hàng ngày là 12 - 24g, có khi tới 40g, dạng thuốc sắc.

Bài thuốc có khổ sâm

1. Chữa đau bụng không rõ nguyên nhân:

Nhai mấy lá khổ sâm tươi với muối, nếu có nôn hay sôi bụng thêm miếng gừng sống.

2. Chữa đau bụng lâm râm, hay sau khi ăn đau bụng, khó tiêu:

Lá khổ sâm, lá ngấy đũm, đều phơi khô, mỗi thứ một nắm (30 - 40g), thêm 3 lát gừng, sắc uống. Hoặc thường dùng sắc 2 thứ lá trên uống thay chè.

3. Chữa lỵ cấp tính, tiêu chảy:

a. Lá khổ sâm, lá phèn đen, mỗi thứ một nắm sắc uống.

b. Khổ sâm, rau sam, cỏ sữa, cỏ nhọ nồi, lá mơ lông, mỗi vị 10g, sắc uống ngày một thang.

c. Khổ sâm 16g, hương phụ 10g, củ sả 6g, vỏ quýt 6g, gừng khô 3 lát. sắc uống ngày một thang.

4. Chữa khắp mình nổi mẩn ngứa, luôn muốn gãi:

Lá khổ sâm, kinh giới, lá đắng cay, lá trầu không, nấu nước xông và tắm rửa.

5. Chữa vảy nến:

Khổ sâm 15g, huyền sâm 15g, kim ngân 15g, sinh địa 15g, quả ké 10g. Làm thành viên, ngày uống 20 - 25g.

6. Chữa sa sinh dục:

Khổ sâm 10g, phèn phi 25g, bồ công anh 10g, thổ phục linh 10g. sắc lấy nước rửa âm đạo, cách một ngày làm một lần.

7. Chữa viêm loét dạ dày tá tràng:

a. Lá khổ sâm, bồ công anh, nhân trần, mỗi vị 12g; lá khôi, chút chít, mồi vị 10g. Tán bột, mồi ngày uống 30g với nước đun sôi để nguội.

b. Lá khổ sâm 12g; lá khôi 40g; bồ công anh 20g; uất kim, hậu phác, mỗi vị 12g; ngải cứu 8g; cam thảo 4g. Sắc uống, hoặc nấu cao pha sirô uống.

8. Chữa chàm cấp tính thể thấp nhiệt:

Lá khổ sâm 12g; nhân trần 20g; thổ phục linh, kim ngân mỗi vị 16g; hoàng bá nam, hạ khô thào, ké đầu ngựa, mỗi vị 12g; hoạt thạch 8g. sắc uống ngày một thang.

9. Viêm da thần kinh thể phong nhiệt mới mắc bệnh:

a. Lá khổ sâm 12g; sinh địa, thổ phục linh, mỗi vị 16g; cúc hoa, kim ngân hoa, ké đầu ngựa mỗi vị 12g; đan bì 8g. sắc uống ngày một thang.

b. Lá khổ sâm 12g; kinh giới, sinh địa, mỗi vị 16g; phòng phong, kim ngân, cúc hoa, tạo giác thích, mỗi vị 12g; thuyền thoái 6g. sắc uống ngày một thang.

 

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC