Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần N

Ngô Đồng

09:07 14/07/2017

Firmiana simplex (L.) w. Wight

Tên đồng nghĩa: Hibiscus simplex L. Sterculia platanifolia L.f.

Tên khác: Trôm đơn, cây bo rừng, tơ đồng.

Tên nước ngoài: Chinese parasol tree, Japanese varnish tree.

Họ: Trôm (Sterculiaceae).

Mô tả

        Cây to, cao 20 - 30m. Lá đa dạng, kép chân vịt, mọc so le, hình tim, từ nguyên đến xẻ 3 - 5 thuỳ hình tam giác, gốc xẻ sâu thành 2 thuỳ tròn to, đầu tù thuôn nhọn, hai mặt hơi có lông, sau nhẵn; cuống lá dải.

       Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùy phân nhánh, có lông mềm; đài 5 răng hình trứng ngắn, có lông màu gỉ sắt ở mặt ngoài. Hoa đực có cuống bộ nhị nhẵn và bầu lép có lông, chia 5 cạnh. Hoa lưỡng tính có bầu hình cầu có lông, vòi nhụy ngắn, đầu nhụy chia 5 thnỳ.

      Quả gồm 5 đại, mờ trước khi chín; hạt hình cầu.

       Mùa hoa: tháng 5-7; mùa quả: tháng 8-10.

Phân bố, sinh thái

       Chi Firntiuna MarsiU ở Việt Nam chi có 2 loài. Một loài phân bố ở các tỉnh miền núi phía Bắc và loài ngô đồng chỉ thấy ở phía Nam: Khánh hoà (Cam Ranh, Nha Trang) và Bà Rịa - Vũng Tàu (Bà Rịa), Quảng Nam (Cù Lao Chàm) và có thể có ở Ninh Thuận, Bình Thuận.

      Ngô đồng là cây gỗ mọc nhanh, ưa sáng và có khả năng chịu hạn tốt. Cây thường mọc ở rừng thưa nửa rụng lá hoặc rừng khô ở vùng ven biển. Cây cũng được trồng để lấy sợi (Từ điển cây thuốc Việt Nam, 1997). Cây trưởng thành ra hoa quả hàng năm. Tái sinh tự nhiên tốt từ hạt. Để bóc vỏ lấy sợi, người dân ở Cù Lao Chàm cho biết, thường khai thác nhưng cây mọc thẳng, có đường kính thân dưới 20 cm. Nếu là cây trong từ hạt, sau 4-5 năm cho thu vỏ, vỏ cây ngô đồng dùng để làm thừng, chão và đan võng nằm.

Bộ phận dùng

       Rễ, vỏ, hoa, hạt và lá.

 Tác dụng dược lý

1. Tác dụng chống loạn tâm thần

        Một neolignan mới là simplidin có tác dụng chống loạn tâm thần (antipsychotic effect) đã được phân lập từ cao n - butanol của thân cây ngô đồng (Son YK et al., 2005). Đã xác định được hàm lượng lignin trong lá rụng trên mặt đất lâu ngày chỉ giảm ít so với lá mới rụng, còn cấu trúc của lignin gần như không thay đổi (Jin z et ai., 2003).

2. Hoạt hoá lá ngô đồng để làm tăng sự hấp phụ chì (II) trong nước

        Có nhiều chất hấp phụ sinh học có khả năng làm sạch nước có kim loại nặng. Nhưng nhiều trường hợp chúng lại gây ô nhiễm môi trường khi bị phân huỷ. Tro của lá cây ngô đồng có thể được dùng để loại bỏ chì (II) trong nước. Công trình này nghiên cứu cách hoạt hoá lá ngô đồng để làm tăng sự hấp phụ chì (II) trong nước.

         Kết quả chỉ rằng, khi nhiệt độ hoạt hoá lá ngô đồng càng cao thì diện tích bề mặt nước được xử lý càng lớn. Ví dụ hoạt hoá ở 100°c, diện tích được xử lý là 0,083 m2/g còn hoạt hoá ở 400°c diện tích được xử lý là 9,32 m2/g. Tuy nhiên, nếu hoạt hoá từ nhiệt độ 300°c trở lên thì các nhóm có lợi (amin và carboxyl) cho sự hấp phụ chì (II) cũng bị phân huỷ làm giảm khả năng hấp phụ Sau khi nghiên cứu kết quả trên diện tích có khả năng hấp phụ, khả năng hấp phụ, ái lực hấp phụ tốc độ hấp phụ và hiệu quả hấp phụ, các tác giả rút ra là cách hoạt hoá lá ngô đồng ở 200°c là phương pháp có hiệu quả nhất để xử lý nước bị nhiễm chì (II) (Li z. et aL 2009).

3. Độc tính cấp

       Cao chiết nước toàn cây ngô đồng (cả gỗ thân, cành và lá) thử trên chuột nhắt trắng tiêm tĩnh mạch có liều chết trung bình LD50 = 8,3g/kg thể trọng chuột [Kee Chang Huang, 1999: 124].

4. Tác dụng trên cholesterol huyết và huyết áp

        Cao chiết bằng ethanol toàn cây ngô đồng làm giảm hàm lượng cholesterol trong huyết tương, nhưng không ảnh hưởng đến hàm lượng triglycerid. Cao cũng có tác dụng giãn mạch, làm tăng lưu lượng mạch vành và làm giảm huyết áp ngoại biên [Tài liệu đã dẫn].

5. Tai biến trên lâm sàng

        Thử lâm sàng, bệnh nhân thấy hơi khó chịu ở đường tiêu hoá. Đôi khi bệnh nhân phàn nàn là ngô đồng làm khô miệng và mệt mỏi [Tài liệu đã dẫn].

Tính vị, công năng

         Rễ và vỏ cây ngô đồng vị đắng, tính mát, có công năng trừ phong thấp, tiêu viêm, sát trùng. Hoa và hạt vị ngọt tính bình, có công năng nhuận phế, hoà vị, tiêu tích trệ. Lá ngô đồng vị ngọt, tính bình, có công năng thanh nhiệt giải độc, an than, giáng áp, tiêu viêm, làm hạ cholesterol. 

        Tài liệu Trung Quốc tách riêng từng bộ phận dùng, về hạt ngô đồng, một số tài liệu ghi vị ngọt, tinh bình, nhưng sách "Bản thào tái tân" ghi: hạt ngô đồng vị đắng, cay, tính ấm, vào 3 kinh tâm, phế và thận, có công năng nhuận khí, hoà vị, tiêu thực [TDTH, 1997,111:210], về lá ngô đồng, sách "Toàn quốc trung thảo dược hội biên" ghi: lá ngô đồng vị ngọt, tính bình: nhưng sách "Phúc kiến dân gian thảo dược" lại ghi: vị đắng, tính hàn; có công năng trấn tĩnh, giáng áp (làm hạ huyết áp), khu phong, thanh nhiệt, giải độc, trừ thấp [TDTH, 1997, III: 211].

      Về vỏ trắng của thân, cành ngô đồng (bỏ lớp bẩn bên ngoài) sách “Thảo mộc tiện phương” ghi: vị ngọt; nhưng sách ’‘Toàn quốc trung thảo dược hội biên” lại ghi: vị đắng, tính mát; có công năng khu phong thấp, hoạt huyết, chi lỵ [TDTH, 1997, 111:211].

      Về hoa ngô đồng, sách "Thường dụng trung thảo dược thủ sách" ghi: vị ngọt, tính bình, có công năng thanh nhiệt giải độc, thường dùng chữa thuý thũng, bỏng nhiệt do lửa, chốc đầu lở loét [TDTH, 1997, III: 212].

      Về rễ ngô đồng, nhiều sách ghi khác nhau. Sách "Thảo mộc tiện phương" ghi vị ngọt, sách "Toàn quốc trung thảo dược hội biên" ghi: vị đắng, tính mát, còn sách "Trùng Khánh thảo dược" lại ghi: vị nhạt, tính bình, có công năng khu phong thấp, chống ứ huyết, thông kinh lạc [TDTH, 1997,111:213].

Công dụng

       Rễ ngô đồng được dùng chữa thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, đau nhức xương. Ngày dùng 15 - 30g sắc lấy nước uống. Có thể dùng lá thay rễ. Ngoài ra, rễ còn dùng chữa lao phổi, thổ huyết, bạch đới, đòn ngã tổn thương.

       Vỏ cây ngô đồng được dùng chữa trĩ, lòi dom, tóc bạc. Lấy vỏ cây hoặc vỏ cành bỏ lớp bần ở ngoài, chỉ lấy lớp trắng ở bên trong, đốt thành than nghiền thành bột trộn với dầu thực vật, rồi bôi vào chỗ trĩ hoặc bôi vào chân tóc bạc.

      Hạt ngô đồng được dùng trị thương thực, đau dạ dày, ỉa chảy, chống rụng tóc và làm đen tóc, chữa chốc mép, lở loét ngoài da. Để chữa rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy, đau dạ dày, lấy hạt ngô đồng tán thành bột hoà với nước uống mỗi lần 3g. Dùng ngoài, lấy hạt ngô đồng giã nát, trộn với một ít dầu thực vật (có thể không cần thêm dầu) bôi vào chỗ chân tóc bị rụng hoặc tóc bạc, hoặc chốc mép hoặc lở loét ngoài da.

      Lá ngô đồng được dùng chữa cao huyết áp, bệnh mạch vành, tăng cholesterol huyết. Lấy lá ngô đồng 5 - l0g (10 - 20g tươi) sắc uống, ngày 1 thang. Để chữa thấp khớp đau nhức xương, suy nhược thần kinh, di tinh, bất lực, dùng 15 - 30g sắc uống, ngày một thang. Dùng ngoài, lấy lá khô, tán thành bột mịn hoà với mật ong bôi lên chỗ sưng tay, mụn nhọt, lở loét.

       Hoa ngô đồng được dùng chữa thuỳ thũng, bỏng chốc đầu, lở loét ngoài da. Để chữa thuỷ thũng, lấy hoa ngô đồng 10 - 15g sắc uống, ngày một thang. Để chữa bỏng, chốc đầu, lở loét, lấy hoa ngô đồng khô tán thành bột mịn, hoà với dầu thực vật bôi lên chỗ đau.

       Ở Trung Quốc, rễ ngô đồng cũng được dùng để trị thấp khớp, đau nhức xương, chống sưng phù, ngoài cách sắc uống, nếu là rễ tươi, có thể dùng 30 - 60g giã nát, vắt lấy nước uống, vỏ cây cũng được dùng chữa trĩ và tóc bạc sớm. Hạt được dùng chữa trĩ, viêm miệng, lở loét ngoài da. Quả nấu chín với thịt nạc được một dịch bổ dưỡng [Perry et al., 1980: 397]. Lá cũng được dùng chữa thấp khớp, cao huyết áp, tăng cholesterol huyết [Kee Chang Huang, 1999: 124].

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC