Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Đ

Đậu Đen

14:05 19/05/2017

Vigna cylindrica (L.) Skeels

Tên đồng nghĩa: Vigna catjang (Bunn, f.) Walp., V. unguiculata (L.) Walp. V. sinensis (L.) Savi et Hassk.

Tên khác: Đỗ đen.

Tên nước ngoài: Black bean, cow pea (Anh); dolique noir (Pháp).

Họ: Đậu (Fabaceae).

Mô tả

Cây thảo, mọc đứng, sống hàng năm, ngọn thường leo bám. Thân hình trụ nhẵn. Lá kép mọc so le, 3 lá chét hình bầu dục hoặc hình trứng, đầu nhọn, gốc có tuyến nhỏ, thuôn vát ở lá chét giữa, lệch ở lá chét bên, lá chét giữa to và dài hơn; lá kèm nhỏ.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá, thành chùm dài 20-30cm; đài hình chuông có 5 răng bằng nhau; tràng màu tím nhạt; nhị 10 xếp thành 2 bó.

Quả đậu, mọc thẳng, dài 7-13cm, đầu nhọn, có đài tồn tại, chứa nhiều hạt màu đen, to hơn hạt đậu xanh.

Mùa hoa : tháng 4-6; mùa quả : tháng 7-9

Đậu đen và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Vigna Savi có khoảng 20 loài ở Việt Nam, trong đó, nhiều loài là cây trồng . Nhóm cây trồng rất phong phú, vì mỗi loài lại có vài giống khác nhau.

Đậu đen có nguồn gốc ở châu Phi và sớm được đưa vào trồng từ thời cổ đại. Hiện nay cây được trồng rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, từ 30° vĩ bắc đến 30° vĩ độ nam. Tuy nhiên, trên thế giới có hai trung tâm đa dạng cao của loài này là vùng Đông Phi và vùng Ấn Độ-Đông Nam Á. Ở đó, đang tồn tại nhiều quần thể trồng cũng như mọc hoang của các loại đậu đen. Ở châu Á, đậu đen trồng nhiều nhất ở Ấn Độ, Srilanca, Mianma, Trung Quốc và tất cả các nước trong vùng Đông Nam Á. Cây cũng được trồng nhiều ở-16 nưóc thuộc châu Phi, nhiều nước vùng Caribê, Nam Mỹ và Australia. Ở Việt Nam, đậu đen được coi là cây trồng lâu đời, dường như tỉnh nào cũng có. Song nơi trồng lớn nhất là các tỉnh miền Trung sau đến các tỉnh ở đồng bằng và trung du Bắc bộ.

Đậu đen thuộc loại cây ngắn ngày, ưa sáng, thích nghi với điều kiện nóng và ẩm. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng từ khoảng 20° đến 35°c. Giới hạn về lượng mưa hàng năm rộng. Tuy nhiên, cây trồng ở Ấn Độ, châu Phi và các nước Đông Nam Á thường không vào mùa mưa. Tổng sản lượng đậu đen trên thế giới năm 1981 là 2,27 triệu tấn từ 7,7 triệu ha. Riêng các nước ở châu Phi đã chiếm tới 2/3 tổng sản lượng đó. Đậu đen trổng ở Việt Nam chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước, chưa có mặt trên thị trường quốc tế (R. K. Pandey & E. Vestphal, 1992, in : PROSEA, N° 1, Pulses, 77-81).

Cách trồng

Đậu đen ưa khí hậu ẩm, được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc, miền núi và miền Nam ít trồng hơn.

Đậu đen được gieo trồng bằng hạt. Thời vụ gieo vào tháng 2-3. Hạt được gieo thẳng theo rạch hoặc theo hốc. Nếu gieo hốc mỗi hốc gieo 3-5 hạt, về sau tỉa bớt để lại mỗi hốc 2-3 cây, đảm bảo khoảng cách 35-40 X 25-30cm.

Đậu đen ưa đất cát pha, đất thịt nhẹ, đất trồng màu, không chịu úng. Đất cần được cày bừa, để ải, đập nhỏ và lên thành luống cao 20-25cm, rộng 0,9- l,2m. Ngoài ra, còn có thể trồng xen với nhiều loại cây khác, nhưng phải đảm bảo đủ ánh sáng cho đậu đen.

Là cây họ đậu, đậu đen không cần bón nhiều phân, nhất là phân đạm. Nhưng để giữ cho đất tơi xốp, thoáng khí và đảm bảo cân đối dinh dưỡng cho cây, vẫn cần bón lót cho mỗi hecta 8-10 tấn phân chuồng, 75-150kg supe lân, 60-80 kg kali, ngoài ra có thể bón thêm tro bếp.

Trước khi gieo, cần tưới ẩm cho đất. Nếu đất quá khô, sau khi gieo mới tưới dễ làm cho đất đóng váng, hạt dễ thối. Từ khi gieo đến khi cây mọc, đất có độ ẩm 60-70% là vừa. Khi cây cao 15-20cm, tiến hành làm cỏ, xới xáo, vun gốc. Nếu đất xấu, có thể tưới thêm nước giải, nước phân chuồng hoặc đạm pha loãng (1-2%) chừng 20-30 kg urê cho 1 ha. Nếu cây quá tốt, cần tỉa bớt lá và bón thêm tro bếp.

Đậu đen hay bị sâu xanh, sâu tơ, sâu khoang hại cây con và hại lá, ruồi đục quả hại quả non.

Quả chín đến đâu thu đến đó. Khi vỏ quả chuyển sang màu đen (khoảng 2/3 độ dài quả) là đúng lúc thu hoạch. Thu sớm quá, hạt sẽ bị sượng; thu muộn quá hạt dễ bị rụng vì vỏ quả nổ tung hoặc gặp mưa hạt sẽ nảy mầm. Quả thu xong đem phơi khô, đập lấy hạt.

Bộ phận dùng

Hạt già đã phơi hoặc sấy khô

Đạm đậu sị (đậu sị) là hạt đậu đen đã được chế biến theo cách làm sau :

Phương pháp 1 : Ngâm đậu đen trong nước một đêm, phơi qua, đồ chín. Rải đậu chín ra phiến sạch, ủ kín bằng lá chuối khô khoảng 3 ngày đến khi thấy có lớp mầu vàng thì phơi khô. ủ lần sau: tưới nước đậu, ủ đến khi mốc vàng, phơi khô. Làm 5-7 lần như trên. Nấu cách thuỷ đến chín. Phơi khô kiệt.

Phương pháp 2 : (đậu sị chế muối). Ngâm đậu đen với nước muối 2 ngày đêm (tỷ lệ 1 kg đậu đen, 1 lít nước, 250g muối). Đồ đến khi chín. Tẩm hết nước muối nói trên. Rải đậu đen lên nia, ủ bằng lá chuối khô 3 ngày đêm cho đến khi có lớp mốc vàng, trộn đều. Làm như vậy 9 ngày đêm. Phơi, sấy đến khô kiệt. (Dược học cổ truyền, 1997).

Thành phần hoá học

Trong l00g phần ăn được của đậu đen có protein 24,4g; lipid l,7g; glucid 53,3g; celulose 4g; vitamin A 5 meg; vitamin Bj 0,5mg; vitamin Rj 0,21mg; vitamin pp l,8mg; vitamin c 8mg; lysin 970 mg; lysin 310mg; tryptophan 310mg; phenylalanin 1160mg; threonin 1090mg; valin 970 mg; leucin 1260mg; isoleucin 1110 mg; arginin 1720 mg; histidin 750mg, Ca 56mg, p 354mg, Fe 6,1 mg. Ngoài ra còn có genistin, chrysanthemin, các soyasaponin I, II, III.

Tác dụng dược lý

1. Hoạt tính chống oxy hoá in vitro : Từ dịch chiết cồn của hạt đậu đen 1:1 (lg hạt đậu đen chiết lấy lml dịch) pha loãng gấp đôi thành 10 nồng độ loãng dần, rồi tiến hành phản ứng peroxy oxy hoá và tính hoạt tính chống oxy hoá. Kết quả ở nồng độ 1:1, hoạt tính là 57,3%, nồng độ 1:2 - 52,3%, nồng độ 1:4 - 13%. Từ nồng độ 1:8 trở xuống không có tác dụng. Như vậy, hạt đậu đen có tác dụng chống oxy hoá ở mức độ vừa phải.

2. Tác dụng trên cơ trơn tử cung chuột lang cô lập: Dịch chiết đậu đen có tác dụng tăng co bóp tử cung. Tác dụng của đậu đen kém hơn tác dụng của nước sắc của bài thuốc điều kinh gồm có đậu đen l0g; ích mẫu 40g; hương phụ chế 15g; nghệ vàng 2g; ngải cứu 2g và bạch đồng nữ 16g. Nước sắc bài thuốc tỉ lệ 1/1000- 1/500 có tác dụng co tử cung tương đương 0,025 UI oxytocin.

3. Tác dụng lợi tiểu: Kinh nghiệm cho thấy ăn chè đậu đen làm tăng lượng nước tiểu. Nước tiểu trong và nhạt màu hơn.

Tính vị, công năng

Hạt đậu đen có vị ngọt nhạt, tính bình, mát, có tác dụng bổ can thận, bổ huyết trừ phong, thanh thấp nhiệt, hạ khí, lợi tiểu, giải độc, tiêu khát.

Đạm đậu xị vị đắng nhạt, tính lạnh, có tác dụng giải biểu trừ phiền chữa cảm mạo nhiệt bệnh, nóng, nhức đầu, người buồn phiền khó chịu.

Công dụng

Hạt dậu đen trị phong nhiệt (phát sốt, sợ gió, nhức đầu hoặc trong ngực nóng khó chịu), thuốc bổ khí chữa thận gan hư yếu, thiếu máu. Liều dùng : 20-40g hoặc hơn, luộc, đồ hoặc nấu chè ăn. Đậu đen còn để giải độc ban miêu, ba đậu.

Trong chế biến một số vị thuốc, đậu đen được dùng nhằm làm tăng tác dụng dẫn thuốc vào thận như khi chế hà thủ ô đỏ, làm giảm độc tính của vị thuốc có độc như phụ tử, mã tiền, ba đậu hoặc để tăng tác dụng bổ của vị thuốc.

Đạm dậu xị thường được dùng chữa cảm mạo, sốt, sốt rét, nhức đầu, người bứt rứt khó chịu, hai chân lạnh nhức. Ngày 12-24g dạng thuốc bột hoặc sắc uống. Dùng ngoài, chữa trẻ con lên đơn, mụn nhọt, đinh độc.

Bài thuốc có đậu đen

Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) dùng đậu đen trong các phương thuốc sau :

1. Chữa đau bụng dữ dội: Đậu đen 50g sao cháy, ngâm rượu uống, hoặc sắc với nưóc rồi chế thêm rượu vào mà uống.

2. Chữa trúng gió, nguy cấp, hoặc chân tay tê cứng, chóng mặt, sây sẩm sau khi đẻ:

Đậu đen 300g sao cháy đến bốc khói, đổ vào 500ml rượu, ngâm qua 1 ngày, đem uống và đắp chăn cho ra mồ hôi.

3. Chữa can hư, mắt mờ, ra gió dễ chảy nước mắt:

Đậu đen đồ lên, cho vào mật con bò đực, phơi gió cho khô, uống mỗi lần 27 hạt.

4. Chữa tiêu khát (đái tháo đường) do thận hư:

Đậu đen, thiên hoa phấn, lượng bằng nhau, tán nhỏ làm viên, uống với nước sắc đậu đen làm thang.

5. Chữa dị ứng, lở ngứa, mụn nhọt:

Đậu đen sao nhỏ lửa đến khi ruột bên trong có màu vàng đậm 50-100g, sắc uống.

6. Chữa đơn chảy nước ở trẻ em:

Đậu sị sao cho cháy có khói, tán nhỏ hoà vào dầu vừng, dầu lạc hoặc dầu thầu dầu, bôi lên chỗ lở loét.

7. Chữa mụn nhọt, đinh độc:

Nấu đậu sị cho nhừ nát, đắp vào nơi sưng đau làm nhiều lần.

8. Chữa hen suyễn, lên cơn khi thay đổi thời tiết: Đạm đậu sị 40g; thạch tín 4g; khô phàn 12g, tất cả tán nhỏ viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần 7-9 viên, uống trước khi đi ngủ. Theo kinh nghiệm nhân dân, uống thuốc này không được dùng thức ăn nóng hoặc nước nóng. Không dùng quá liều vì thuốc có độc. Thường chỉ dùng trong 7-8 ngày.

 

 

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC