Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần D

Dứa Dại

15:05 18/05/2017

Pandanus tonkinensis Mart.

Tên khác: Dứa gai, dứa gỗ, mạy lạ (Tày).

Tên nước ngoài: Screvv-pine (Anh); baquois, vacoua (Pháp).

Họ: Dứa dại (Pandanaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, cao 1 - 2 m, có khi hơn. Thân gỗ phân nhánh, mang nhiều ngấn ngang là những sẹo do lá rụng để lại và những rễ phụ. Lá mọc tập trung ở ngọn thân, cứng, hình dải, dài 0,7 - 0,8 m, rộng 4cm, gốc thành bẹ to, đầu có mũi nhọn sắc, mép và gân giữa có gai cứng, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân hay kẽ lá gồm hoa đực và hoa cái họp thành bông bao bọc trong mo dạng lá ngắn, sớm rụng, bao hoa có mùi thơm, thưòng tiêu giảm; hoa đực có nhiều nhị; hoa cái có một số lá noãn.

Quả phức to, có cuống mập, hình trứng hay gần tròn gồm nhiều quả hạch, khi chín màu vàng.

Mùa hoa quả : tháng 2-5

Dứa dại và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Pandanus Parkins có khoảng 50 loài trên thế giới, phân bố khắp các vùng nhiệt đới, trừ châu Mỹ. Ở Ấn Độ có 36 loài; Việt Nam, 20 loài.

Dứa dại được coi là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố ở các tỉnh miền núi hoặc trung du phía bắc và vào đến Khánh Hoà. Cây ưa ẩm và có thể hơi chịu bóng, thường mọc ở ven rừng ẩm, nhất là dọc theo các bờ khe suối, ở độ cao dưới 500 m. Cây còn được trồng làm bờ rào ở nương rẫy.

Dứa dại có khả năng đẻ nhánh khoẻ, sau khi trồng được 1-2 năm , cây đã thành bụi lớn. Cây ra hoa quả hàng năm, nhưng chỉ thấy trên những thân cây lớn, không bị chặt phá.

Cách trồng

Dứa dại thỉnh thoảng được trồng làm hàng rào ở một vài nơi. Cây còn được trồng ở các vườn mẫu với mục đích đào tạo, nghiên cứu.

Cây rất dễ sống, chỉ cần đào hố, đặt một nhánh con hoặc một đoạn thân, phủ đất lại là có thể mọc thành cây. Không cần chăm sóc.

Bộ phận dùng

Đọt non và rễ.

Đọt non thu hái vào mùa xuân, dùng tươi. Rễ thu quanh năm, phơi khô.

Công dụng 

Rễ dứa dại mới được dùng trong phạm vị kinh nghiệm dân gian, làm thuốc lợi tiểu chữa phù thũng, đái buốt, đái rắt, đái ra sỏi. Dùng ngoài giã đắp chữa gãy xương, lòi dom. Đọt non dứa dại chữa sỏi thận, kinh phong trẻ em.

Liều dùng hàng ngày rễ 10 - 15g; đọt non 15 - 20g. Dùng ngoài, không kể liều lượng : Đọt non dứa dại và lá đinh hương, giã đắp chữa đinh râu.

Bài thuốc có dứa dại

1. Chữa phù thũng: (Kinh nghiệm của nhân dân miền Nam)

Rễ dứa dại 8g (nướng), rễ cau non 4g, vỏ cây dại 8g (sao vàng), hương nhu 8g, tía tô 8g, hoắc hương 8g, hậu phác 12g, rễ si 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm 2 lần trong ngày.

2. Chữa gãy xương: Rễ dứa dại, lá xoan non, ngải cứu, dây tơ hồng, vỏ cây gạo, củ nghệ. Mỗi thứ một nắm nhỏ. Giã nát trộn với lòng trắng trứng gà, đắp bó.

3. Chữa phù thận, đái dắt, đái ít, nước tiểu vàng đục : Rễ dứa dại 400g, râu ngô 300g, trấu gạo nếp 100g (sao thơm), củ sả 100g, nõn tre 50g, cam thảo dây 20g. Tất cả nấu với 2 lít nước, cho sôi kỹ trong 30 phút. Lọc, bỏ bã, thêm dường. Người lớn mỗi lần uống 200 - 300ml, ngày 2 lần. Trẻ em mỗi lần 100 - 150ml. Một đợt điều trị là 5 ngày. Nghỉ 3 ngày, tiếp tục đợt sau cho khỏi hẳn (Bệnh viện Ba Vì, tỉnh Hà Tây).

4. Chữa sỏi thận, đái dắt, đái buốt có máu : Đọt non dứa dại 120g giã nhỏ với ngải cứu 20g, cỏ bợ 30g, phèn đen 10g. Thêm nước gạn uống.

5. Chữa kinh phong trẻ em: Đọt non dứa dại 12g, lá chua me, lá dâm hôi hoặc nhọ nồi, lá xương sông, búp mít mật mỗi thứ 8g, nhân hạt đào 5 cái. Tất cả giã nhỏ hoà vào một cốc nưóc đun sôi để nguội, gạn lấy nước trong, thêm đường, cách 2 giờ uống một lần. Liều lượng cứ mỗi tuổi uống 1 thìa cà fê.

Có thể gia giảm như sau: có đờm khò khè thêm chua me và xương sông; nóng sốt nhiều thêm đọt dứa và búp mít; co giật thêm dâm hôi; đái ít, táo bón thêm đào nhân.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC