Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần C

Châu Thụ

08:05 20/05/2017

Tên khác: Lão quan thảo (H'Mông).

Tên nước ngoài: Fragrant wintergreen (Anh), palommier (Pháp).

Họ: Đỗ quyên (Ericaceae).

Mô tả

Cây bụi, cao 1,5 - 3m, phân cành nhiều. Cành mảnh mọc nằm ngang, nhẫn, màu đỏ nhạt đốn đỏ tía. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc hình mác, gốc tròn, đầu thuôn dài thành mũi nhọn, dài 4-6 cm, rộng 1 - 2cm, mép khía răng, hai mặt nhẵn, có những chấm mờ rải rác ở mặt dưới, gân lá men theo mép lá nổi rõ ở mặt trên; cuống lá rất ngắn.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần ngọn thành chùm ngắn; lá bắc khum, bao bọc gốc cuống hoa; hoa 3-5 màu hồng nhạt hoặc trắng; đài hoa hình chuông gần như nhẵn, dài 2 mm; tràng hoa hình trụ, dài 3-4 mm; nhị thọt, chỉ nhị phình ra ở gốc ; bầu có lông.

Quả mọng, hình trứng, khi chín màu tím đỏ sẫm; hạt nhiều. Toàn cây vò ra có mùi methyl salicylat.

Mùa hoa quả : tháng 1 - 4.

Châu thụ và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Gaultheria L. là một chi lớn trong họ Ericaceae, gồm phần lớn là cây bụi, cây bụi nhỏ mọc thẳng hay mọc dựa, phân bố ở vùng có khí hậu cận nhiệt đới hay ôn đới ấm, ở Bắc Mỹ, châu Á và Australia. Một số loài được trồng làm cảnh, do lá thường xanh và có dáng đẹp. Một số loài khác có tinh dầu và được dùng làm thuốc.

Ở Việt Nam, chi Gaultheria L. có 5 loài, trong đó cây châu thụ là loài duy nhất được dùng làm thuốc. Cây chỉ mới thấy phân bố ở vùng núi cao trên 1500 m, như Đồng Văn, Mèo Vạc, Yèn Minh, Quản Bạ (Hà Giang); Sìn Hồ (Lai Châu), đèo Lô A (Cao Bằng), Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái); Quảng Nam (Trà My). Có tài liệu cho rằng, cây phân bố ở cả Đà Lạt (Lâm Đồng) (Võ Văn Chi, 1997). Trên thế giới, châu thụ có ở Trung Quốc và vùng Nam Ấn Độ.

Châu thụ là loại cây ưa sáng và có thể hơi chịu hạn, thường mọc lẫn với các loại cây cỏ khác ở vùng đồi cây bụi, hay ở tà ly núi. Tại một điểm khảo sát ở Phó Bảng (Đồng Văn - Hà Giang). Nhóm nghiên cứu của Viện Dược liệu (Nguyễn Tập, Ngô Văn Trại và cộng sự, 1999) đã phát hiện thấy châu thụ mọc khá tập trung, trên diện tích khoảng một hecta. Tỷ lệ cây có hoa quả đạt trên 80%. Ở Việt Nam, cây thích nghi với vùng có khí hậu á nhiệt đới núi cao, với nhiệt độ trung bình khoảng 15 - 16°c. Cây có thể vẫn sinh trưởng tốt trên loại feralit vàng - đỏ hơi dốc, bị rửa trôi nhiều và hơi chua. Bộ rễ của cây phát triển, có khi dài tới 1 m. Trong đám cây mọc đang có hoa quả, đôi khi thấy một số cây con mọc từ hạt. Sau khi bị chặt phá nhiều lần, phần gốc châu thụ còn sót lại vẫn có khả năng tái sinh cây chồi khỏe.

Châu thụ thuộc loại cây thuốc quý hiếm ở Việt Nam có vùng phân bố tự nhiên hạn chế, trữ lượng không đáng kể, cần được quan tâm bảo vệ.

Bộ phận dùng

Cành và lá trừ rễ, thu hái khi cây có hoa, quả. Lá và vỏ cây còn dùng để cất tinh dầu.

Thành phần hóa học

Toàn cây châu thụ nhất là lá và vỏ có mùi methyl salicylat (acbutin). Lá chứa 1,25% tinh dầu tanin, acbutin và gaultherin. Methyl salicylat, tồn tại trong cây dưới dạng glucosid, chất này bị thủy phân bởi men tự nhiên có trong cây.

Acbutin còn gọi là acbutosiđ, tinh thể hình kim dài, không màu vị đắng, độ cháy 196°c dễ tan trong nước sôi, cồn, ít tan trong ether khi thủy phân bằng men emulsin hay bằng acid sulfuric sẽ cho glucose và hvđroquinon. Gaultherin là một glucosid do sự kết hợp giữa một phân tử methyl salicylat và một phân tử glucose; khi gặp men gaultheraza có trong lá sẽ bị thủy phân cho ta methyl salicylat và glucose. Khi cất sẽ được một tinh dầu gọi là tinh dầu winter green. Loại tinh dầu này ở Ấn Độ có chứa 99,14% methyl salicylat (The Wealth of India T4, 1956, 119).

Muốn cất tinh dầu winter - green, người ta ngâm lá hay vỏ cây châu thụ tươi với nước 30° để yên một đêm cho men tác dụng. Hôm sau, cất kéo hơi nước. Tinh dầu nặng hơn nước với tỷ trọng 1,180 - 1,187, độ sôi 218 - 221°c gồm chủ yếu là methyl salicylat, ngoài ra còn chứa một lượng nhỏ các alcol, ceton, ester.

Tác dụng dược lý

Tinh dầu châu thụ có tác dụng kích thích, gây trung tiện, làm giảm chướng bụng và sát trùng. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng có khối u nhạy cảm với thuốc cho thấy ung thư phát triển chậm lại khi cho chuột một lượng nhỏ tinh dầu. Heptyl alđehyđ có trong phân đoạn sôi thấp của tinh dầu, gây thoái triển khối u ở chuột nhắt và chó. Heptyl aldehyd dùng phối hợp với methyl salicylat (3:1) có hiệu quả tốt hơn. Việc tiêm truyền định kỳ heptyl aldehyd cho chuột nhắt, được biết là nhạy cảm với sự phát triển của carcinom phổi, đã có tác dụng dự phòng sự tạo các khối u. Trong thí nghiệm điều trị những khối u tự phát của tuyến vú ở chuột nhắt trắng, heptyl aldehyd tiêm dưới da ở một khoảng cách với khối u hoặc uống cùng vói thức ăn đã gây sự hóa lỏng khối u.

Với liều cao, tinh dầu châu thụ gây co quắp và liệt hô hấp trên động vật. Có một số trường hợp ngộ độc do tinh dầu châu thụ với những triệu chứng nôn mửa, ỉa lỏng, viêm dạ dày, đi đái luôn, co quắp và chết. Bôi lên da, tinh dầu thấm rất nhanh, bài tiết qua đường nước tiểu và phần dưới dạng methyl salicylat, nhưng có tác dụng kích ứng da mạnh. Methyl salicylat không có tác dụng kích ứng da này.

Công dụng

Châu thụ được dùng làm thuốc sát trùng, chữa tê thấp, chân tay nhức mỏi, dưới dạng thuốc hãm l0g lá trong 1 lít nước nóng.

Dùng ngoài, tinh dầu dưới dạng thuốc xoa bóp, hoặc lấy lá đun nước, ngâm chân.

Trong y học Ấn Độ, tinh dầu châu thụ được dùng ngoài dưới dạng thuốc xoa hoặc thuốc bôi dẻo để điều trị thấp khớp, đau dây thần kinh hông và đau dây thần kinh, nhưng có tác dụng phụ gây phát ban; methyl salicylat không có tác dụng phụ này nên được ưa dùng hơn. Tinh dầu châu thụ cũng được dùng trong và tốt nhất dưới dạng nhũ dịch.

Nó có tác dụng trừ giun đối với giun móc. Sự quá liều có thể gây những biến đổi thoái hóa trong gan và thận. Tinh dầu châu thụ còn là thành phần của nhiều chế phẩm diệt và xua côn trùng và được dùng làm tăng mùi vị trong sản xuất mứt kẹo, nước giải khát không có cồn và thuốc đánh răng.

Trong y học dân gian Nepal, bột nhão lá non châu thụ đã được dùng uống mỗi lần 3 thìa cà phê để tạ ho và cảm lạnh, ngày 2-3 lần, trong 3 ngày hoặc lâu hơn. Dùng uống mỗi lần 3 thìa cà phê dịch ép cây, pha loãng với nước, ngày 2-3 lần cũng trị ho. Để trị giun, dùng dịch ép lá, mỗi lần khoảng 2 thìa cà phê, ngày một lần, trong 2 ngày.

Ở Malaysia, người ta dùng một loại chè thuốc bào chế từ lá, hoặc dùng lá nhai. Khi dùng liều cao, châu thụ có tác dụng kích thích mạnh, đã gây chết người khi dùng làm thuốc gây sẩy thai.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC