Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần T

Tía Tô Dại

16:05 15/05/2017

Tía Tô Dại có tên khác: Hoắc hương núi, é rừng, é hoang, é lớn chòng, sơn kiểm.

Tên nước ngoài: Ballote camphrée (Pháp).

Họ: Bạc hà (Lamíaceae).

Mô tả

Cây thảo, cao 1 - 1,5 m, phân nhánh nhiều. Thân vuông mọc thẳng, có lông. Lá mọc đối, hình trái xoan hoặc hình trứng, dài 2-6 cm, rộng 1,5-2 cm, gốc tròn, đầu hơi nhọn, mép khía răng, hai mặt có lông, gân ít nổi rõ, cuống lá dài.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim ít hoa; lá bắc hình chỉ; hoa nhỏ màu lơ nhạt, có cuống dài; đài hình chuông, có 5 răng nhọn, 10 gân có lông, tràng có ống hình trụ ngắn, hơi phồng ở họng, chia 2 môi, môi dưới hình túi; nhị 4, 2 dài, 2 ngắn; bầu nhẵn.

Quả bế tư, dẹt. Mùa hoa quả : tháng 5-9.

Phân bố, sinh thái

Hyptis Jacq. là một chi lớn, khoảng 400 loài, tập trung nhiều nhất ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Ở Việt Nam, chỉ có 3 loài, trong đó cây tía tô dại thường gặp nhất ở các tỉnh phía nam (Vũ Xuân Phương, 2000). Tía lô dại có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Nam Á, phân bố ở khắp các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á, như Ấn Độ, Xrilanca, Thái Lan, Malaisia, Philippin, Indonesia, Campuchia, Lào, Nam Trung Quốc và ở cả châu Phi, châu Mỹ.

Ở Việt Nam, tía tô dại phân bố tập trung từ Nghệ An đến Long An, Tây Ninh và các tỉnh Tây Nguyên. Các tỉnh có nguồn tía tô dại nhiều nhất là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hoà, Đồng Nai. Cây ưa sáng, có thể hơi chịu hạn; thường mọc thành dám ở các bãi hoang, ven đồi, hai bên dường đi; thích nghi với nhiều loại đất, như đất pha cát, đất lẫn sỏi đá ở vùng đồi.

Tía tô dại sinh trưởng, phát triển mạnh vào mùa mưa ẩm, và ra hoa quả rất nhiều vào mùa khô. Hạt giống phát tán gần, nên cây thường tạo thành các quần thể, đôi khi dày dặc lấn át cả cỏ dại. Nguồn tía tô dại ở các tỉnh phía nam khá dồi dào. Cây gần như không bị khai thác; ước tính trữ lượng có đến một ngàn tấn.

Bộ phận dùng

Phần trên mặt đất.

Tác dụng dược lý

1. Tác dụng hạ đường huyết : Cao toàn cây tía tô dại chiết bằng cồn 50° có tác dụng hạ đường huyết ở chuột cống trắng.

2. Tác dụng kháng nấm : Xác định nồng độ tối thiểu ức chế của tinh dầu tía tô dại trên 4 loại nấm là Aspergillus flavas, Aspergillus niger, Collectotrichum falcatum và Fusarium moniliforme, thấy nồng đô 250 ppm (phần triệu) đã có tác dụng ức chế; ở nồng độ 500 ppm, tác dụng ức chế đã là 80% trở lên và ở nồng độ 1000 ppm, hai nấm Aspergillus bị ức chế 90% còn hai nấm kia bị ức chế 100%; đến nồng độ 2000 và 4000 ppm, tất cả các nấm đều bị ức chế 100%.

Tính vị, công năng

Tía tô dại có vị cay, đắng, tính ấm, mùi thơm đăc biệt, có tác dụng lưu phong, tán ứ, giải độc, chỉ thống.

Công dụng

Tía tô dại được dùng chữa cảm sốt, nhức đầu đau bụng, trướng đầy, nôn mửa, tiêu chảy, kiết lỵ. Ngày 8 - 12g thân lá, dạng thuốc hãm hoặc thuốc sắc. Dùng ngoài, thân lá tươi 20 - 30g, giã nát đắp để cầm máu chữa chấn thương, da viêm tấy lở loét, eczema, sưng vú, rắn cắn. Rễ (12 - 16g) sắc uống giúp ăn ngon, làm thuốc điều kinh và kích thích tiết sữa. Tía tô dại còn được dùng để cất tinh dầu. Toàn cây có tác dụng trừ sâu và côn trùng.

Bài thuốc có tía tô dại

1. Chữa cảm cúm, sốt, nhức đầu, đau bụng, nôn mửa : Tía tô dại phối hợp với hương nhu, kinh giới, mạn kinh, mỗi vị 10g, sắc uống.

2. Thuốc giải nhiệt: Cành lá tía tô dại 30g, lá dướng 30g, để tươi, rủa sạch, giã nát, hoà với nước sôi để nguội uống.

3. Chữa vết thương : Lá tía tô dại 1 phần, lá cây ngoi 2 phần, dùng tươi, giã nát, đắp và băng.

4. Chữa mụn nhọt, lở loét, nước ăn chân : Lá tía tô dại để tươi, giã nát, vắt lấy nước, bôi.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC