Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần H

Hoa Giẻ Nam Bộ

11:07 11/07/2017

Desmos cochinchinensis Lour.

Tên đồng nghĩa: Uiuma desinos Dun.

Tên khác: Kê trảo quả, hoa giẻ lông đen.

Họ: Na (Annonaceae).

Mô tả

       Cây nhỏ leo, dài 6 - 7m. Cành lúc đầu phủ lông trắng hoặc màu gì sắt áp sát, sau nhẵn, màu đen và điểm những chấm nhỏ. Lá mọc so le, hình trái xoan - mũi mác, dài 8 - 10 cm, rộng 3-5 cm, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, mặt trên nhẵn bóng (trừ gân chính), mặt dưới phù dày lông vàng (nhất là trên các gân); cuống lả ngắn, có lông tơ.

       Hoa thơm, màu vàng, mọc riêng lẻ, gần đối diện với lá, cuống dài 2,5 - 4 cm có lông; lá bắc nhỏ hình dải; đài có 3 răng hình mác nhọn, mặt ngoài có lông; tràng 6 cánh, dài gấp 6 - 7 lần lá đài, hình thoi hơi dày và có lông ở cả hai mặt, cánh trong hẹp bằng nửa cánh ngoài, gốc hình móng guốc; nhị nhiều, gốc hẹp, trung đới rộng và dày, hình bán cầu; lá noãn 25 - 30, có lông. Lá noãn chín có màu vàng sau chuyển đỏ cam, có hình chuỗi hạt; hạt hình trứng cách nhau bởi những ngấn dài.

      Mùa hoa: tháng 2-5, mùa quả: tháng 7-12.

Phân bố, sinh thái

        Chi Desmos Lour., trên thế giới chỉ có khoảng 10 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, ở Việt Nam có 5 loài.

       Hoa giẻ Nam Bộ hiện mới ghi nhận về phân bố ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, bao gồm các tỉnh: Nghệ An (bờ sông Cá, Bù Khang); Quảng Bình (Hương Hóa, Quảng Trạch, Đồng Hới: Đồng Sơn), Quảng Trị (Mai Lãnh, Làng Tràm); Thừa Thiên - Huế (thành phố Huế, Phú Lộc, Thủy Dương, Nam Đông); Kon Tum (Đắk Glei: Đắk Long, Kon Plông: Mang Cành); Gia Lai (Kon Hà Nừng). Cây còn phân bố ở Lào và Campuchia (Nguyễn Tiến Bân, 2000).

       Hoa giẻ Nam Bộ là loại cây ưa sáng, hơi chịu bóng và cũng có khả năng chịu được hạn. Cây thường mọc cùng với các cây bụi khác ở đồi, ven rừng thứ sinh, bờ nương rẫy và trong các lùm bụi ở ven đường đi và quanh làng bản. Cây thường xanh và ra hoa quả hàng năm. Tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Ngoài ra, cây cũng có khả năng tái sinh cây chồi từ phần còn lại khi bị chặt phát. 

Cách trồng

       Hiện tai, cây chưa được trồng, bởi lẽ cây mọc tự nhiên ở nhiều địa phương, cả ở miền Bắc lẫn miền Nam. Tuy nhiên, khi cần thiết vẫn có thể trồng được loài hoa giẻ này, theo cách sau:

      Đến mùa thu khi quả già hái về phơi lấy hạt, bảo quản nơi khô ráo, gieo hạt vào mùa xuân ở vườn ươm, sau đánh cây con đem trồng. Thời vụ trồng tốt nhất cũng vào mùa xuân (năm sau từ khi gieo hạt).

      Cây trồng không kén đất, nhưng cần thoát nước. Khi trồng vào hố, cự ly khoảng 1,5m một cây, có thể bón lót phân chuồng, sau khi trồng cần tưới nước ngay. Cây trồng ít phải chăm sóc, ngoại trừ việc xới đất làm cỏ và vun gốc khi cây còn nhỏ.

Bộ phận dùng

     Rễ và lá.

 Tác dụng được lý

      Tác dụng chống sốt rét. Cao chiết bằng ether dầu hoà của rễ cây hoa giẻ Nam Bộ có tác dụng ức chế sự phát triển của ký sinh trùng sốt rét (Liao và cs. 1989).

Tính vị, công năng

     Rễ và lá cây hoa giẻ Nam Bộ vị cay, tính hơi ấm, có công năng khu phong, tiêu trệ làm mạnh tỳ (giúp tiêu hoá), lợi thấp giảm thống. Tài liệu Trung Quốc [TDTH, 1996, 11:2255] ghi: rễ hoa giẻ Nam Bộ vị cay, tính bình; có công năng khu phong thấp, chỉ tê (làm mất tê bì), giảm thống, dùng trị phong thấp sinh viêm khớp xương, tràng vị hàn thống.

Công dụng

     Rễ và lá cây hoa giẻ Nam Bộ được dùng chữa đầy bụng khó tiêu, phong tê thấp, đau nhức xương, đòn ngã tổn thương, thuỷ thũng. Còn được dùng cho phụ nữ sau khi đẻ bị đau bụng, chảy máu không cầm và để tăng tiết sữa. Quả của cây hoa giẻ Nam Bộ có thể dùng ăn được. Ngày dùng 20 - 40g lá khô sắc uống. Phong thấp, đau nhức xương thường dùng rễ, ngày 20 - 40g sắc nước uống.

       Ở Trung Quốc, lá hoa giẻ Nam Bộ được dùng chữa ăn uống không tiêu, bụng đầy trướng; viêm thận, phù thũng; viêm phế quản. Ngày dùng 20 - 40g lá khô sắc uống. Rễ hoa giẻ Nam Bộ được dùng trị phong thấp, đau gân cốt, ngày 20 - 40g sắc uống hoặc ngâm rượu uống.

      Ở Malaysia, rễ cây hoa giẻ Nam Bộ được sắc uống để chữa sốt, mụn nhọt, lở loét. Hoa hãm uống có tác dụng an thần gây ngủ.

Bài thuốc có hoa giẻ Nam Bộ

      1. Chữa phong tê thấp, đau nhức xương khớp

      Rễ cây hoa giẻ Nam Bộ, rễ rung rúc, rễ gắm, vỏ cây chân chim (Schefflera ocíophylla Harms) mỗi vị 80g; rễ bưởi bụng, rễ bươm bướm (Mussaenda pubescens Ait.f), rễ tầm xuân, rễ cỏ xước, rễ ô được (Lindera myrrha Merr), tầm gửi dâu, toàn cây bấn trắng (hoặc mò mâm sôi), toàn cây vậy đỏ (hoặc bọ mẩy đỏ) mỗi vị 40g; cỏ roi ngựa, rễ chỉ thiên mỗi vị 24g, ngâm với 3 lít rượu, sau 15 ngày có thể uống, mỗi ngày 1 chén con (30ml) (Bách gia trân tàng của Hải Thượng Lãn Ông).

2. Chữa ngộ độc do nấm

     Rễ cây hoa giẻ Nam Bộ, cành và lá kim ngân mỗi vị 30g, sắc lấy nước uống (Nam dược thần hiệu).

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC