Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần N

Ngũ Gia Bì Hương

15:05 23/05/2017

Ngũ Gia Bì Hương có tên đồng nghĩa: Acanthopanax spinosus Miq.

Tên khác: Tế trụ ngũ gia, ngũ hoa, tiểu ngũ trảo phong.

Họ: Nhân sâm (Araliaceae).

Mô tả

Cây bụi, mọc dựa, cao vài mét. vỏ thân và vỏ cành xám nhạt, có gai thưa. Lá kép chân vịt, mọc so le hoặc tụ tập từng 2-3 cái, gồm 5 lá chét hình trứng đảo hoặc thuôn, dài 2 - 6cm, rộng 1 - 3cm, lá chét giữa to, những lá chét bên nhỏ dần về phía cuống, mép có răng cưa và lông cóng, hai mặt nhẵn, sẫm bóng ở mặt trên; cuống lá dài 2 - 6cm, nhẵn.

Cụm hoa thường mọc đơn độc ở kẽ lá thành tán, cuống tán dài 2 - 3,5cm, hoa nhỏ màu vàng lục. Quả hình cầu dẹt, khi chín màu đen, chứa 2 hạt. Toàn cây có tinh dầu rất thơm. Mùa hoa: tháng 9-10; mùa quả: tháng 11-2.

ngũ gia  bì hương và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Ngũ gia bì hương được phát hiện lần đầu tiên ở Phó Bảng, tỉnh Hà Giang năm 1969 do các nhà thực vật học Liên Xô và Việt Nam (trong đó có Viện Dược liệu). Đến năm 1973, thêm một số điểm phân bố mới được phát hiện ở huyện Đồng Văn và Mèo Vạc - Hà Giang (Nguyễn Tập, Lưu Minh Xư, Bùi Xuân Chương, 1973). Kết quả của các đợt điều tra gần đây (1998 - 2000) của Viện Dược liệu đã xác định 2 điểm phân bố cũ ở khu vực Đồng Văn - Hà Giang dã bị mất, nhưng lại bổ sung 2 điểm mới là: Sapa và Bắc Hà (thuộc Lào Cai) và một điểm nữa ở xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ - Hà Giang. Như vậy, xét về nguồn gốc, cây ngũ gia bì hương ở Việt Nam có thể do người dân ở vùng biên giới lấy từ Trung Quốc sang.

Hiện nay, ở Đồng Văn và Mèo Vạc (Hà Giang), đã quan sát thấy cây trong trạng thái hoang dại hoá, mọc gần nơi ở và bờ mương rẫy. Các điểm phân bố mới phát hiện đều do được trồng ở bờ rào vườn. Trên thế giới, ngũ gia bì hương chỉ có ở Trung Quốc. Ngũ gia bì hương là cây của vùng ôn đới ấm. Các điểm phân bố của cây ở Việt Nam, đều thuộc vùng núi cao, với nền khí hậu á nhiệt đới; nhiệt độ trung bình năm từ 15 đến 17°C; nhiệt độ tối thấp tuyệt đối: dưới 0°c. Cây rụng lá và ngừng sinh trưởng vào mùa đông, có bao chồi. Đến mùa xuân, cây ra lá non và hoa cùng một lúc. Hoa chỉ tồn tại khoảng 3 tuần. Tỷ lệ kết quả khá cao, song cây con mọc từ hạt gần như hiếm gặp. Ngũ gia bì hương có khả năng tái sinh cây chồi gốc khoẻ. Cây bị chặt vào mùa thu, đông và mùa xuân đều có tỷ lệ mọc cây chồi 100%.

Ngũ gia bì hương là loại cây thuốc quý, hiếm ở Việt Nam, đã được đưa vào Sách Đỏ quốc gia từ năm 1996. Hiện nay, cây đang được Viện Dược liệu nghiên cứu bảo tổn và phát triển trồng.

Cách trồng

Ngũ gia bì hương thích nghi vói khí hậu mát mẻ quanh năm, nhưng cũng có thể trồng ở đồng bằng có khí hậu nóng ẩm về mùa hè. Cây được nhân giống dễ đàng bằng cành. Vào tháng 1-2, chọn cành bánh tẻ, vỏ đã có lớp phấn màu trắng ngà bao phủ, cắt thành đoạn dài 10 - 15cm (chứa ít nhất 2 đốt), giâm vào bầu đất, giữ ẩm vừa phải. Sau 10-15 ngày, cành giâm ra rễ, mọc chồi có thể đem trồng. Nếu được xử lý bằng cách nhúng nhanh vào dung dịch auxin, cành giâm sẽ ra rễ tốt hơn.

Ngũ gia bì hương có thể trồng trên nhiều loại đất, nhất là đất cao ráo thoát nước. Khi trổng, đào hố cách nhau 1 - 2m, bón lót một ít phân chuồng nếu có điều kiện. Trồng xong, phủ đất, tưới nước đủ ẩm. Cây sống nhiều năm, ít phải chăm sóc, không có sâu bệnh. Bộ phận dùng Vỏ thân hoặc vỏ rễ thu hái vào mùa thu, ủ cho thơm rồi phơi hay sấy khô.

Tác dụng dược lý

Chất eleutherosid Bt trong vỏ rễ ngũ gia bì hương có tác dụng tăng trọng lượng tuyến tiền liệt và túi tinh ở chuột nhát trắng còn non, đồng thời phòng ngừa được sự thu teo của túi tinh và tuyến tiền liệt ở những chuột đã thiến tinh hoàn. Chất sesamin có tác; dụng ức chế trực khuẩn lao, virus cúm, trên lâm sàng có tác dụng điều trị viêm phế quản.

Tính vị, công năng

Ngũ gia bì hương có vị cay, đắng, tính ôn, vào 2 kinh: can, thận, có tác dụng khư phong thấp, cường gân cốt, bổ gan thận.

Công dụng

Trong y học cổ truyền, ngũ gia bì hương được dùng chữa phong hàn thấp tý, đau lưng, thể lực yếu, dương uỷ, trẻ em chậm biết đi, cước khí thủy thũng. Liều dùng: 3 - 9g sắc nước uống hoặc dưới dạng rượu thuốc, hoàn tán. Thưòng dùng phối hợp với các loại thuốc khác.

Bài thuốc có ngũ gia bì hương

1. Chữa trẻ em suy dinh dưỡng, còi xương, chậm biết đi: Ngũ gia bì hương, mộc qua, ngưu tất (với lượng bằng nhau) sắc nước hoặc làm bột uống.

2. Chữa đau các khớp tứ chi: Ngũ gia bì hương, độc hoạt, uy linh tiên, tang chi, kê huyết đằng. Mỗi vị l0g, sắc nước uống.

3. Chữa thấp khớp: Ngũ gia bì hương 15g; thương truật, tần cửu, hy kiểm thảo, mỗi vị l0g; lão quán thảo 12g. sắc nước hoặc ngâm rượu uống.

4. Rượu ngũ gia bì (Trung Quốc): Ngũ gia hương 50g, thanh phong đằng 13g, đương quy 13g, xuyên khung 13g, hải phong đằng 13g, mộc qua 13g, uy linh tiên 13g, bạch chỉ 19g, bạch truật (sao) 19g, hồng hoa 25g, ngưu tất 25g, cúc hoa 25g, đảng sâm 75g, khương hoàng 75g, độc hoạt 6g, xuyên ô (chế) 6g, thảo ô (chế) 6g, ngọc trúc 200g, đậu khấu (bỏ vỏ) 9g, đàn hương 13g, nhục đậu khấu 9g, đinh hương 6g, sa nhân 6g, mộc hương 6g, trần bì 50g, nhục quế 6g. Ngâm chiết với 20 lít rượu trắng, thêm đưòng cho dễ uống. Mỗi lần uống 15 - 30ml, ngày 2 lần.

Chữa phong thấp tỳ thống, chân tay tê dại, lưng gối mỏi đau.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC