Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Đ

Đinh Hương

08:05 20/05/2017

Syzygium aromaticum (L.) Merr. et Perrỳ

Tên đồng nghĩa: Eugenia caryophyllata Thunb. , E. aromatica o. Ktze, Caryophyllus aromaticus L.

Tên nước ngoài: Cloves, double - flowering lilac syringa (Anh); Giroflier, clou - de - girofle (Pháp).

Họ: Sim (Mvrtaceae).

Mô tả

Cây nhỡ hay cây to, luôn xanh, cao 8 - 12m, có khi hơn. Thân mọc thẳng, vỏ màu lục hoặc nâu nhạt. Lá mọc đối, phiến dai, hình bầu dục hoặc hình mác, gốc tròn, đầu nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm, mặt dưới nhạt.

Cụm hoa mọc ở đầu cành thành xim phân nhánh; nụ hoa nom như cái đinh; đài có 4 răng dày, hàn liền ở phía dưới thành ống màu đỏ; tràng 4 cánh rời nhau, màu trắng vàng, rụng sớm; nhị rất nhiều, xếp thành nhiều vòng; bầu hạ, 2 ô.

Quả nạc, bao bọc bởi đài tồn tại; hạt hình cầu.

Đinh hương và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Syzygium Gaertn. là- một chi lớn, gồm các loài là cây gỗ hay cày bụi, phân bố ở vùng nhiệt đới. Chi này ở Việt Nam có 55 loài. 

Đinh hương có nguồn gốc ở đảo Molugues. Vào thế kỷ thứ 18, cây được nhập trồng vào châu Phi và một số nước ở vùng Nam và Đông Nam Á. Những nước trồng nhiều đinh hương trên thế giới là Tanzania (vùng Zanziba và Pemba), Bê Nanh, Indonesia, Ân Độ, Srilanca... Cây ưa khí hậu nhiệt đới nóng và hơi khô, nhiệt độ trung bình năm gần 30°C; lượng mưa 1500 - 2200mm/ năm. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất lateric mới được khai phá, còn tương đối màu mỡ. Đinh hương trồng từ hạt sau 7-8 năm bắt đầu có hoa. Có thể thu hoạch liên tục 50 - 60 năm. Sản lượng cao nhất trong thời gian cây 20 - 30 tuổi. Mỗi cây cho 4 - 6kg dược liệu khô một năm. Hoa thụ phấn nhờ gió hoặc côn trùng. Trồng bằng hạt hoặc cành chiết.

Đinh hương đã được nhập trồng ở các tỉnh miền Trung của Việt Nam, nhưng có thể kết quả không cao nên đã bị lãng quên. Năm 1970, Trại thuốc Văn Điển (Viện Dược liệu) có trồng 1 cây, sau bị chết do không chịu được mùa đông kéo dài ở miền Bắc.

Bộ phận dùng

Nụ hoa, thu hái vào lúc hoa chuyển từ màu xanh sang đỏ gạch, phơi âm can hoặc sấy nhẹ đến khô. Có thể cất tinh dầu.

Cuống hoa, lá.

Thành phần hoá học

Nụ hoa đinh hương chứa tinh dầu, sterol glucosid (sitosterol, stigmasterol, campestrol), acid crataegolic methvl ester, acid oleanolic, quercetin, kaempferol, rhamnetin, eugeniin (1, 2, 3 - trigaloyl - 4,8 - hexahyđroxyđiphenoyl - p - D - glucopyranose), protein 6%, lipid 20%, carbohydrat 61%, vitamin...

Đinh hương cho 3 loại tinh dầu: tinh dầu lấy từ nụ hoa (hàm lượng 15 - 17%), tinh dầu từ cuống hoa (6%), tinh dầu từ lá (2 - 3%). Thành phần chính của các tinh dầu là eugenol 80 - 95%, eugenyl acetat 1 - 5% và p - caryophylen 4 - 12%. Chất lượng của tinh dầu phụ thuộc vào nguồn gốc, thời tiết, độ chín của nguyên liệu, phương pháp xử lý khi thu hoạch và phương pháp chưng cất: Tinh dầu tốt nhất là ở nụ hoa, rồi đến cuống hoa, và lá.

Tinh dầu nụ hoa đinh hương là chất lỏng không màu hoặc màu vàng, để lâu sẽ sẫm màu, mùi và vị đặc trưng cần dược bảo quản trong đồ bao gói kín, tránh ánh sáng. Thành phần chính là eugenol 70 - 95%, eugenyl acetat có thể đạt 17% và p - caryophylen 5 - 12%. Ngoài ra còn có methyl salicylat, methyleugenol, benzaldehyd, amylceton.

Tinh dầu nụ đinh hương được dùng làm chế phẩm thuốc, chế biến thực phẩm, gia vị và nước hoa.

Nụ hoa còn cho nhựa - dầu thu được bằng cách dùng dung môi để chiết xuất với hiệu suất là 18 - 22%. Trong nhựa - dầu, thành phần bay hơi chiếm 90 - 92% nếu chiết xuất bằng benzen và cồn 22 - 32%. Nhựa - dầu là chất lỏng, nhớt, để lâu có thể đọng lại lớp sáp. Mùi được đánh giá tốt hơn tinh dầu và gần với đinh hương tự nhiên. Nhựa - dầu dược dùng nhiều trong thực phẩm và công nghiệp hương liệu.

Tinh dầu cuống hoa là chất lỏng không màu đến vàng nhạt, có tính chất của gia vị mạnh, có mùi tương tự như đinh hương, nhưng không dịu bằng. Hàm lượng eugenol 90 - 95%, hàm lượng eugenyl acetat thấp hơn. Tinh dầu cuống hoa được dùng chủ yếu để làm thơm và chế nước hoa.

Tinh dầu lá là chất lỏng, màu nâu sẫm, thường pha nâu tía hoặc tím, hơi đục, có mùi thô của gỗ, hơi ngọt, khác hẳn với tinh đầu nụ hoa. Nếu cất lại, tinh dầu sẽ có màu vàng nhạt, ngọt và ít thô hơn, gần giống với eugenol. Khi cất dẽ bị lẫn với cành nhỏ, hoa nở. Thành phần tinh dầu có thể thay đổi, nhưng hàm lượng eugenol vẫn dạt 80 - 88%, hàm lượng eugenyl acetat thấp và hàm lượng p - caryophylen cao. Tinh dầu lá là nguyên liệu để sản xuất eugenol và caryophylen. Nếu cất lại, tinh dầu sẽ được dùng để chế nước hoa (rẻ tiền hơn) và chế xà phòng. Tinh dầu lá không thể tạo ra hương vị thật của nụ hoa.

Tác dụng dược lý

1. Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc đinh hương có tác dụng ức chế sự phát triển của một số loại vi khuẩn đường ruột thuộc chi Shigella. Tinh dầu có tác dụng rất mạnh trên nhiều loại vi khuẩn, đặc biệt là các vi khuẩn thường gặp ở đường hô hấp.

2. Tác dụng trên amip: Đã thử tác dụng của 50 dược liệu, thấy đinh hương là một trong 10 dược liệu có tác dụng ức chế hoạt động của amip in vitro.

3. Tác dụng trên cơ trơn khí phế quản và hồi tràng: Trên hồi tràng chuột lang cô lập, theo phương pháp Magnus, dùng histamin và acetylcholin để gây tăng co bóp. Đinh hương có tác dụng ức chế sự co bóp này.

Trong một thí nghiệm khác, thử tác dụng trên cơ trơn khí quản và hồi tràng chuột lang cô lập, thấy tinh dầu đinh hương có tác dụng làm giãn, trong đó tác dụng làm giãn trên khí quản mạnh hơn hồi tràng cũng tương tự như với isoprenalin và các chất ức chế phosphodiesterase.

4. Thử lâm sàng 25 trẻ em bị tiêu chảy: Bằng cách, dùng chế phẩm Dadimachatussama gồm đinh hương, vỏ lựu, nhục đậu khấu, quả của Cuminum cyminum và hàn the (borax), với lượng bằng nhau, làm thành bột, liều dùng là lOOmg/ kg trong 7 ngày, thấy khỏi 80%. Số còn lại điều trị tiếp vào tuần thứ hai (Ấn Độ).

Tính vị, công năng

Đinh hương có vị cay, ngọt, mùi thơm mạnh, tính nóng ấm, vào 4 kinh phế, tỳ, vị và thận, có tác dụng kích thích, làm thơm, lợi trung tiện, làm ấm bụng, sát trùng.

Công dụng

Đinh hương là gia vị quý, dùng dể chế bột cary cùng với nghệ, gừng, hồ tiêu đen, ớt, quả mùi.

Về mặt thuốc, đinh hương chữa đầy hơi, rối loạn tiêu hoá, đau bụng, nôn mửa, nấc, phong thấp, đau xương, nhức mỏi, lạnh tay chân. Ngày 2 - 6g, sắc uống hoặc mài với các vị thuốc khác rồi uống. Dùng ngoài (thường phối hợp với các vị thuốc khác) để xoa bóp, nắn bó gãy xương. Với tính sát khuẩn, trong các vụ dịch, người ta thường nhai đinh hương để phòng bệnh.

Đinh hương là nguyên liệu để cất tinh dầu, và eugenol đùng trong nha khoa, làm tê và diệt tuỷ răng. Từ eugenol, bán tổng hợp ra vanilin dùng trong thực phẩm và y học.

Trong công nghiệp, hương liệu, tinh dầu đinh hương còn để chế biến nước hoa, pha chế rượu mùi và ướp thơm thuốc lá.

Bài thuốc có đinh hương

1. Chữa viêm xoang, hơi thở hôi, hắt hơi, xổ mũi:

Dùng một nụ đinh hương, bọc vào bông, thỉnh thoảng nút vào mũi.

2. Chữa viêm nhiễm đường hô hấp đặc biệt là vùng mũi, xoang mặt, khai thông đường thở:

Tinh dầu đinh hương, tinh dầu bạch đàn, menthol, trần bì, hạt mùi, natri bicarbonat, acid citric trộn đều làm thành viên to. Mỗi lần xông họng 2 - 3g. Có thể hoà vào nước, ngậm xúc để cho tinh dầu bay lên.

3. Chữa ngạt mũi, cảm cúm, nhức đầu:

- Dầu bôi gồm: tinh dầu đinh hương, bạch đàn, long não, rnenthol, methyl salicylat, cloroform, dầu parafin, cồn tuyệt đối.

- Cao xoa (dạng cao mềm như cao sao vàng), có tinh dầu đinh hương, bạc hà, quế, long não, sa nhân, hồi... Khi dùng, lấy một ít dầu hoặc cao, bôi xoa vào mũi, thái dương, gáy...

4. Chữa chân răng bị sưng đau:

Đinh hương, xuyên tiêu lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, thêm ít băng phiến, rồi trộn mật ong. Bôi hàng ngày.

5. Chữa nấc, nôn mửa:

Đinh hương 7 nụ (2 - 4g), tai hồng 7 cái (lOg), gừng 5 lát. Sắc uống.

6. Chữa tỳ vị hư hàn, thổ tả, đầy hơi, rối loạn tiêu hoá, đau bụng:

Đinh hương 3 - 4g, sa nhân 6g, bạch truật 12g, tán bột, uống mỗi lần 2 - 4g, ngày 2-3 lần.

7. Chữa phong thấp, đau xương, nhức mỏi, chân tay lạnh:

Đinh hương 20g, long não 12g, cồn 90° 250ml. Ngâm 7 ngày đêm, lọc bỏ bã. Khi dùng, lấy bông thấm thuốc nắn bóp nơi đau nhức. Ngày 1-2 lần.

8. Chữa đinh râu:

Đinh hương 1 phần, dọt cây dứa dại tươi 2 phần. Giã nát, đắp.

Chú ý: Không dùng uống cho người tạng nhiệt hoặc hen nặng.

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC