Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần V

Vịt

16:05 26/05/2017

Anas domestica L.

Tên khác: Vịt nhà, vịt đàn.

Tên nước ngoài: Duck (Anh), canard (Pháp).

Họ: Vịt (Anatidae).

Mô tả

Loài chim bơi ở nước. Thân dài và bầu. Đầu tròn, cổ thon dài, mỏ dẹt xung quanh có răng cua rất nhỏ, có tác dụng lọc và giữ lại thức ăn dưới nước. Chân ngắn, giữa các ngón có màng nối liền nhau. Bộ lông dày không thấm nước, có nhiều màu ở vịt đực: đầu, cổ màu lục thẫm bóng, lưng và ngực màu nâu xám pha tím, bụng trắng, đuôi màu đen; lông ở vịt cái toàn một màu nâu bẩn viền xám nhạt.

Có nhiều giống vịt nuôi theo hai hướng sử dụng. Hướng lấy trứng gồm những giống nhẹ cân, nhanh nhẹn, đẻ nhiều như vịt cỏ của Việt Nam, có màu lông cà cuống, trọng lượng 1,5 - 1,6 kg, mỗi năm đẻ 200 - 250 trứng, mỗi quả nặng 60 - 65g; vịt chạy của Ân Độ có thân hình đứng thẳng, chạy rất nhanh, màu lông trắng, trọng lượng 1,7 -1,8 kg, mỗi năm đẻ 180 - 200 trứng, có thể đến 250 - 300 quả, trứng nặng 70 - 80 g; vịt Campbell (dòng lai giữa vịt của Anh với vịt chạy Ân Độ) có màu lông kaki, trọng lượng 2-3 kg, mối năm đẻ 150 - 180 trứng, mỗi quả nạng 70 - 80 g.

Hướng lấy thịt có những giống nặng cân, chậm chạp, lớn nhanh như vịt bầu (tên khác: bầu Bến), có thân hình to, dạng hình chữa nhật, màu lông cà cuống, trọng lượng 2 - 2,5 kg, mỗi năm đẻ 80- 130 trứng, mỗi quả nặng 70 - 75 g; vịt Bắc Kinh có thân hình to, dài, màu lông trắng, trọng lượng 3 - 4 kg, mỗi năm đẻ 150 - 200 trứng, mỗi quả nặng 80 - 90 g.

Phân bố, sinh thái

Vịt nhà có nguồn gốc từ vịt trời (Anas boschơs) được thuần hóa từ lâu đời ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Vịt có nhiều thay đổi về màu sắc của bộ lông, kích thước và trọng lượng cơ thể, mất khả năng bay, đẻ nhiều và không còn ấp trứng.

Ở Việt Nam, vịt được nuôi phổ biến ở gia đình (dăm bảy con), chăn thả ngoài đồng (hàng đàn). Vùng nuôi nhiều vịt nhất là đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ.

Bộ phận dùng

Vịt, tên thuốc trong y học cổ truyền là gia áp, cung cấp mật, gan và tiết để làm thuốc. Dùng tươi. Còn dùng thịt, trứng và mề vịt (Tài liệu nước ngoài).

Thành phần hóa học

Thịt vịt chứa 23% protid, 5% lipid, 6 mg% Ca, 65 mg% p, 4 mg% Fe.

Trứng vịt có 13% protid, 14,2% lipid, 71 mg% Ca, . 210 mg% p, 3,2 mg% Fe, 0,15 mg% vitamin Bj, 0,30 mg% vitamin Bị, 0,1 mg% vitamin pp. Trứng vịt lộn chứa 13,6% protid, 12,4% lipid, 82 mg% Ca, 212 mg% p, 3 mg% Fe, 0,12 mg% vitamin Bj, 0,25 mg% vitamin Bị, 0,8 mg% vitamin pp, và cung cấp 187 calo (Viện Dinh dưỡng).

Tính vị, công năng

Thịt vịt có vị ngọt, mặn, tính mát, có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu thũng, giải độc.

Mật vịt có vị đắng, tính hàn, không độc, có tác dụng tả hỏa, tiêu độc, chống kinh phong co giật.

Tiết vịt có vị ngọt, tanh, tính ấm, có tác dụng cầm, nôn.

Gan vịt có vị ngọt, đắng, tính hơi ấm, có tác dụng minh mục.

Trứng vịt có vị mặn, hơi lạnh, có tác đụng tiêu đờm, tăng tiết sữa.

Công dụng

- Thịt vịt đực, chặt nhỏ, nấu nhừ với gạo tẻ thành cháo, thêm ít vỏ quýt, gừng, hành trắng, muối, ăn hàng ngày chữa nóng trong, miệng khô háo khát, đi tiểu nhiều ở người cao tuổi.

- Trứng vịt luộc chín, ăn với muối vừng chữa thiếu sữa. Trứng vịt lộn, món ăn bồi dưỡng cao cấp cho mọi lứa tuổi, được nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước Đông Nam Á khác rất ưa chuộng.

- Mật vịt: Khi trẻ bị sốt cao, mê man, co giật, lấy mật vịt trắng (1 cái) rút nước, trộn với dịch ép lá đậu ván trắng (50 g) cho trẻ uống làm 2 lần trong ngày. Hoặc lấy nước mật vịt hòa với máu vịt (10 g) và nước nguội, cho uống; đồng thời, lấy lông vịt trải xuống dưới chiếu cho trẻ nằm (kinh nghiệm của lương y Vũ Văn Kính, thành phố Hồ Chí Minh). Có thể dùng mật vịt phơi khô, tán bột, hòa với nước gừng, hâm nóng mà uống. Để chữa viêm họng, khó nuốt, dùng mật vịt trắng (1 cái) trộn với băng phiến (2 g), thạch cao phi (4 g) và sữa người (10 g), bôi vào họng, ngày vài lần.

- Tiết vịt: Cắt tiết vịt lông trắng, hứng lấy, uống ngay lúc còn nóng làm một lần. Chữa buồn nôn, nôn mửa.

- Gan vịt (1 bộ) rửa sạch, thái nhỏ, nấu với lá bìm bìm non hoặc lá dâu non (50 g) cho chín nhừ. Ăn cả cái lẫn nước trong một ngày. Chữa quáng gà.

Theo tài liệu nước ngoài, ở Trung Quốc, các bộ phận của con vịt được dùng dưới dạng món ăn - vị thuốc như sau:

- Thịt vịt (100 - 200 g) hầm với gừng tươi, ăn làm thuốc bổ âm, bổ dạ dày, giải độc, trừ tả lỵ; với nhân hạt hồ đào và đường phèn, ăn liên tục 3 ngày, chữa thở khò khè; với đông trùng hạ thảo hoặc hạt khiếm thực (15 g) chữa đái đường; với sa sâm (30 g), ngọc trúc (30 g), chữa cơ thể suy nhược sau khi ốm dậy.

- Tiết vịt: thêm ít muối, hấp cách thủy cho chín. Cho 200 ml rượu nếp hoặc rượu hà thủ ô vào tiết, hấp tiếp trong một phút. Ăn sau bữa ăn, mỗi ngày một lần làm thuốc bổ máu. Uống tiết vịt trắng mỗi ngày 2 chén trước bữa ăn chữa trúng phong.

- Trứng vịt (1-2 quả) đánh nhuyễn; mộc nhĩ trắng (10 g) rửa sạch, thái nhỏ, nấu chín với nước (100 ml) rồi đổ trứng vào, thêm đường phèn cho đủ ngọt. Khuấy đều cho chín trứng. Để nguội, ăn cả cái lẫn nước. Chữa ho có đờm. Để chữa viêm họng mạn tính, lấy trứng vịt (2 quả), hành hoa (4-5 cây), mật ong (30 ml), nước (200 ml). Đun sôi nước, cho hành hoa đã thái nhỏ, mật ong và đập trứng vào. Đun tiếp cho chín trứng. Ăn làm một lần trong ngày.

- Mề vịt bổ đôi, bỏ hết cặn bã (để nguyên màng) rửa sạch, thái nhỏ, hầm với mạch nha (15 - 20 g) cho chín nhừ. Ăn nóng. Chữa chứng khó tiêu. 

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC