Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần R

Rau Bao

10:07 15/07/2017

Sonchus wightianus DC.

Tên đồng nghĩa: Sonchus arvensis auct - non L.

Tên khác:  Rau diếp dại, diếp trời, rau chuôi (Thái). 

Tên nước ngoài: Corn sow thistle (Anh), laiteron des champs (Pháp). 

Họ: Cúc (Asteraceae).

Mô tả

        Cây thảo, sống hai năm, cao khoảng 1 m. Thân mọc đứng, nhẵn. Lá mọc so le, hình mác thuôn, gốc có bẹ to ôm thân, khía răng không đều, những lá gần gốc và ở thân to có 2 tai ngắn, mép chia thuỳ nông hình tam giác, những lá ở gần ngọn nhỏ hơn.

        Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành ngù dạng tán, cuống mảnh dài 2-9 cm, có lông, gồm nhiều đầu hình chuông, bao quanh bởi những lá bắc hình dải nhọn, có lông cứng; hoa nhiều; tràng có lưỡi ngắn hơn ống 2-4 lần, nhị 5, bao phấn có tai mảnh ở gốc, mào lông rất mềm và trắng; bầu hình trụ.

      Quả bế dẹt, thuôn ở hai đầu, dài 3,5 mm có 5 cạnh.

Phân bố, sinh thái

       Chi Sonchus L. có 4 loài ở Việt Nam, vừa là cây rau ăn vừa dùng làm thuốc.

       Rau bao phân bố nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ. Ở Việt Nam, cây phân bố tương đối rộng rãi ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh ở đồng bằng và trung du như Hà Tây (cũ), Ninh Bình, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc..., còn gặp ở các tỉnh Kon Tum, Lâm Đồng. Tại một số tinh miền núi phía Bắc, rau bao được đồng bào địa phương trồng trong vườn gia đình để làm rau ăn.

      Rau bao là loại cây thảo sống một năm, ưa ẩm và ưa sáng hoặc có thể hơi chịu bóng. Cây thường mọc rải rác trên đất ẩm ở quanh làng, ven đường đi hay trên nương rẫy. Hàng năm cây mọc tự nhiên từ hạt vào tháng 3 - 4, sinh trưởng phát triển nhanh trong mùa hè; đến tháng 10 sau khi quả gìa  toàn cây tàn lụi. Quả (hạt) rau bao có túm lông, nhờ gió phát tản đi khắp nơi.

Bộ phận dùng

        Toàn cây.

Tác dụng dược lý

       Tác dụng lợi tiểu

       Nước sắc rau bao cho chuột cống trắng uống, làm tăng lượng nước tiểu so với lô không dùng nước sắc.

Tính vị, công năng

        Toàn cây rau bao có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, thông sữa. “Trung được từ hải” quyển I, 1993, tr. 1043 ghi: có tác dụng thanh thấp nhiệt, hoá ứ, giải độc, khử thũng, bài nùng (mủ).

Công dụng

         Đồng bào dân tộc ở miền núi thường trồng rau bao nấu ăn để giải nhiệt, lợi tiểu vì rau bao mọc hoang ở các nương rẫy, gây hại cho cây trồng. Phụ nữ đang nuôi con uống nước sắc rau bao làm tăng tiết sữa. Còn dùng trị kiết lỵ, lòi dom, ăn không tiêu, viêm họng, viêm loét giác mạc. Ngày dùng 80 - l00g ran tươi hoặc 40 - 50g rau khô sắc uống.

        Chữa kiết lỵ cấp tính, ngày dùng 80g rau tươi hoặc 40g rau khô sắc uống. Chữa trĩ nội hoặc lòi dom, toàn cây rau bao cả rễ, nấu nước, ngâm rửa. Chữa tắc mật vàng da, ăn không tiêu, ỉa phân sống, rau bao l00g để tươi, sắc uống. Chữa viêm họng, 20g ngọn rau bao tươi, rửa sạch, nhai, ngậm, nuốt nước dần dần.

       Ở Trung Quốc, nhân dân dùng rau bao chữa viêm ruột, viêm ruột thừa, bệnh lỵ, trĩ, sản hậu ứ huyết, đau bụng. Còn chữa sốt rét, ung thũng, mụn nhọt lở loét. Ngày 9 - 15g sắc uống [Trung dược từ hải, quyển I, 1993, tr. 1043].

       Ở Indonesia, lá rau bao được dùng chữa sỏi bàng quang, sỏi mật, cao huyết áp [Medicinal herb index in Indonesia, 2nd ed. PT Eisai Indonesia, 1995, p.226]. Còn dùng điều trị sưng phồng, hạ sốt, chống độc, kích thích tuần hoàn, làm mủ nhọt bọc, điều trị loét ruột, đau mắt đỏ, thống kinh [Perry và Metzger, 1980, Medicinal plants of East and Southeast Asia, The MIT Press, Cambridge - Massachusetts - London, p.98].

       Ở Ẩn Độ, rễ rau bao thái phiến, phơi khô, sắc uống, chữa chứng vàng da; nước sắc của hạt để làm dịu; nước sắc toàn cây có tính mát, để an thần, lợi tiểu, làm ra mồ hôi, chống co thắt, gây ngủ, long đờm, điều trị ho, lao, viêm phế quản, hen, ho gà [Chopra et al., 2001, Glossary of Indian medicinal plants, 6tli ed., NiSC - New Delhi, p.230). Còn dùng toàn cây để giảm đau, chữa viêm loét giác mạc, lá tươi giã nát, đắp vào các chỗ sưng phồng, rễ thái phiến, sắc uống làm giảm các bệnh đường hô hấp [Chatterjeeand Pakrashi, 1997, The treatise on Indian medicinal plants, vol.5, NISC - New Delhi, p. 176).

Bài thuốc có rau bao

       Chữa viêm loét giác mạc đơn thuần

       Bài thuốc đã được áp dụng ở Viện Mắt Hà Nội, gồm kim ngân hoa 70g, rau bao 65g đơn tướng quân 65g. Nấu với nước rồi cô thành cao lỏng, cứ lg dược liệu khô được l ml cao lỏng gọi là KBĐ (K là kim ngân, B là rau bao, Đ là đơn tướng quân). Liều dùng cho trẻ em, mỗi ngày 50ml; người lớn là 75 - 100ml, chia làm 2 lần uống sau khi ăn được 30 phút đến 1 giờ. Không dùng cho người tạng hàn đang bị tiêu chảy, bệnh đường ruột hoặc người có cảm giác lạnh.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC