Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần V

Vông Nem

11:05 20/05/2017

Vông Nem có tên đồng nghĩa: Erythrina indìca Lamk., E. spathacea DC.

Tên khác: Lá vông, hải đồng, thích đồng, co toóng lang (Thái), bơ tòng (Tày).

Tên nước ngoài: Indian bean, indian coral - bean, mochi wood tree, East Indies coral tree (Anh); arbre au corail, arbre immortel, érythrine au corail, érythrine orientale, bois rouge (Pháp).

Họ: Đậu (Fabaceae).

Mô tả

Cây nhỡ hay cây to, rụng lá, cao 5 - 8 m có khi hơn, Thân nhẵn, màu xám nhạt, có gai ngắn. Lá kép, mọc so le, có 3 lá chét gần hình tam giác, mép nguyên, lá tận cùng rộng hơn dài, hai lá bôn dài hơn rộng, hai mặt nhẵn, mật trên sẫm bóng.

Cụm hoa mọc ngang ở kẽ lá và đầu cành thành chùm dày, cứ 1 - 3 hoa ở một mấu; lá bắc nhỏ, sớm rụng; hoa nở trước khi cây ra lá, màu đỏ chói; đài hình ống có 5 răng nhỏ; tràng dài, cánh cờ rộng, nhị tập hợp thành bó vượt ra khỏi tràng. Quả đậu, màu đen, thót lại ở gốc và thắt lại giữa các hạt; hạt 5-8, hình thận, màu đỏ hay nâu.

Mùa hoa quả: tháng 3-5.

Phân bố, sinh thái

Chi Erythrina L. có khoảng 110 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới, tập trung nhiều nhất ở châu Mỹ khoảng 70 loài, sau đến châu Phi 32 loài, châu Á 18 loài, trong đó Việt Nam có 6 loài và Malaysia 8 loài. Phần lớn các loài là cây mọc tự nhiên, một vài loài được trồng để làm cảnh. Vông nem có nguồn gốc ở vùng ven biển Đông Phi, phân bố khắp từ châu Phi đến vùng nhiệt đới Nam Á (Ấn Độ, Xrilaca), Đông Nam Á (Malaysia, Thái Lan, Philippin, Indonesia, Papua Nui Ghinê, Lào, Campuchia) các đảo ở Thái Bình Dương, Australia (Queensland) và cả ở phía nam Trung Quốc, ở Việt Nam, vông nem mọc tự nhiên và được trồng rải rác khắp các tỉnh thuộc vùng núi thấp (dưới 1000 m), trung du và đồng bằng.

Cây thường được trồng làm bờ rào ở nương rầy, vườn nhà. Ngoài ra, ở vùng tây Quảng Bình, Tây Nguyên có người trồng vông nem làm giá để cho hồ tiêu hoặc trầu không leo.Vông nem là cây ưa sáng và phân cành nhiều, thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm; giới hạn về nhiệt độ trung bình ở những nơi có vông nem thường khá rộng, từ 21 đến 26°c. Cây có khả năng chịu được nóng và khô, nhiệt độ tối cao trung bình đến 38°C; rụng lá về mùa khô hoặc mùa đông ở các tỉnh phía bắc. Đầu mùa xuân, khi chưa ra lá non cây đã bắt đầu có hoa. Cây trồng ở các tỉnh phía bắc (bờ hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội) thường rất lâu năm mới thấy hoa, song rất hiếm có quả. Vông nem có khả năng tái sinh dinh dưỡng khoẻ sau khi bị chặt phá, phần còn lại đều mọc thành cây chồi.

Cách trồng

Vông nem được nhân giống dễ dàng bằng giâm cành. Chọn cành bánh tẻ, chặt thành từng đoạn 30 - 40cm, đặt nghiêng thành hàng dọc, lấp đất gần kín hom giống. Có thể trồng quanh năm, trừ thời kỳ mưa quá nhiều. Vào các tháng mùa khô, cần tưới ẩm. Cây không cần chăm sóc, ít sâu bệnh. Lá thu hoạch quanh năm. Mùa đông, cây ngừng sinh trưởng.

Bộ phận dùng

Lá, thu hái vào mùa xuân, dùng tươi hay phơi khô. Vỏ thân, cạo bỏ lớp bần, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Hạt sao thơm.

Tác dụng dược lý

Ở Việt Nam, Ngô úng Long (Trường Sỹ quan quân y - 1960) đã nghiên cứu tác dụng dược lý của lá vông và kết luận là lá vông có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, làm yên tĩnh, gây ngủ, hạ nhiệt, hạ huyết áp, còn có tác dụng co bóp các cơ. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột lang, chuột cống trắng, thỏ, mèo, chó, khỉ đều không thấy hiện tượng ngộ độc.

Trên súc vật thí nghiệm, nước sắc lá vông 10% có tác dụng làm co cứng cơ chân ếch và cơ thắt trực tràng. Còn theo tài liệu nước ngoài (Ấn Độ, Trung Quốc) vỏ thân vông nem có tác dụng làm giảm hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Dạng alcaloid toàn phần chiết từ vỏ thân cây vông nem dùng với liều 0,5 - 2,0 mg/kg có tác dụng ức chế sự co bóp của ruột cô lập thỏ và tử cung cô lập chuột cống trắng; với liều dùng 15mg/kg tiêm tĩnh mạch có tác dụng làm thỏ gục đầu. Chất erythrin có trong vỏ thân có tác dụng đối kháng với strychnin, do đó có thể dùng làm thuốc giải độc trong trường hợp ngộ độc strvchnin (The Indian materia medica 1999 - P.508).

Chất hypaphorin và một số alcaloiđ khác như erythroidin, erythramin... tồn tại trong hạt vông nem đều có tác dụng giống curare gây giãn cơ vân. Dịch chiết nước từ vỏ thân vông nem (1:3) thí nghiệm trên ống kính, có tác dụng ức chế tụ cầu khuẩn và một số nấm gây bệnh ngoài da (Trung được từ hải II trang 2307) Ở Ân Độ, lá vông nem được coi là có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, trị giun sán, lợi sữa và điều kinh. Hạt dùng tươi thì có độc, nhưng sau khi luộc hoặc rang lại có thể ăn được (The Wealth of India . V. II - P. 195 - 198) Tình vị, công năng Theo y văn cổ truyền, lá vông nem có tác dụng sát trùng, tiêu cam tích.

Vỏ thân vông nem có vị đắng, cay, tính bình, vào các kinh: can, tỳ, có tác dụng khư phong thấp, thông kinh lạc, sát trùng.

Công dụng

Từ lâu đòi, lá vông nem đã được nhân dân Việt Nam dùng làm thuốc an thần, dưới nhiều dạng như sau: Lá vông nem (loại bánh tẻ) rửa sạch luộc hay nấu canh ăn chữa mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt. Hoặc dùng cao lỏng lá vông ngày uống 2 - 4 g, rượu thuốc 1 -2g/ngày, thuốc hãm 2-4 g/ngày (hãm như pha trà), sừô lá vông (lá ngâm rượu rồi pha với sirô) ngày uống 20ml. Có thể dùng phối hợp với lạc tiên. Tất cả đều uống trước khi đi ngủ.

Lá vông phối hợp với lá sen sắc uống chữa chảy máu mũi, đại tiện ra máu, giã nát vắt lấy nước uống và chưng nóng bã đắp rịt vào hậu môn chữa lòi dom. Để chữa sa dạ con, lấy lá vông 30g, lá tiểu kế 20g, hạt tơ hồng 20g, giã nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml uống trong ngày; kết hợp lấy 10 hạt thầu dầu tía giã nát với giấm đắp băng lại. Hoặc lấy lá vông nấu với lá cỏ xưóc và cá trê, rổi ăn cả nước lẫn cái. Viện Quân y 108 (Hà Nội - 1960) dùng lá vông rửa sạch bằng thuốc tím, giã nhỏ với một ít cơm nguội đắp lên các vêt loét đã chữa bằng phương pháp khác không khỏi, thấy vêt loét chóng lên thịt non. Nếu đắp lâu ngày thịt có thể lên cao quá mức cũ.

Tuệ linh (Nam dược thần hiệu) đã dùng vỏ cây vông già phối hợp với lá mần tưới, cỏ mần trầu, rễ ngưu tất, mỗi thứ 10 - 15g. sắc nước uống, dùng cho phụ nữ sau khi đẻ sa sầm mặt mũi, choáng váng mờ mắt. Vỏ vông nem còn chữa phong thấp, chân tê phù, lưng gối đau nhức, lở ngứa. Ở Trung Quốc, lá vông được dùng dưới dạng bột mỗi lần 1 - 3g, uống với nước đun sôi để nguội chữa cam tích ở trẻ em, trục giun đũa (Trung dược từ hải 11/716). Vỏ rễ vông nem, chữa đau lưng, đau khớp, đau răng, chân tê mỏi, co quắp, ở Ấn Độ, lá vông là thuốc lợi tiểu, lợi mật, lợi sữa, điều kinh, nhuận tràng, trị giun sán, chữa đau răng. Dịch ép lá vông chữa đau kinh và chữa vô sinh ở những phụ nữ béo phì bằng cách làm giảm trọng lượng mỡ trong cơ thể và tạo nên vòng kinh nguyệt bình thường, vỏ thân cây vông được dùng làm thuốc hạ sốt, chữa kiết lỵ, lợi đờm, tẩygiun đũa, giun chỉ và diệt sán (The Indian materia medica - 1999 - 508)

Bài thuốc có vông nem

1. Chữa đau dữ dội vùng lưng và đầu gối: Vỏ cây vông nem 60g; ngưu tất, xuyên khung, khương hoạt, địa cốt bì, ngũ gia bì, mỗi vị 30g; cam thảo 15g; ý dĩ nhân 60g; sinh địa 300g. Tám vị đầu rửa sạch, sao giòn bẻ nhỏ, sinh địa cắt thành lát mỏng. Tất cả lấy vải xô bọc, ngâm trong 2400ml rượu, mùa đông ngâm 27 ngày, mùa hè ngâm 17 ngày. Uống mỗi lần 50 ml, ngày 3 lẩn vào sáng, trưa và tối (Tục truyền tín phương - Trung Quốc).

2. Chữa chân co quắp không duỗi ra được: Vỏ vông nem, đương quy, mẫu đơn bì, thục địa hoàng, ngưu tất, mỗi vị 30g; sơn thù du, bổ cốt chi mỗi vị 15g. Nghiền thành bột, mỗi lần dùng 3g, nước 160ml, hành 5g, sắc còn 100 ml. Bỏ bã uống lúc nóng.

3. Chữa một sô bệnh ngoài da: Vỏ vông nem, vỏ cây dâm bụt, xà sàng tử, rễ chút chít. Tất cả tán nhỏ, pha với rượu tỷ lệ 1:5. Dùng bôi ngoài.

4. Chữa đau răng: Vỏ vông nem, tán nhỏ thành bột, rắc vào chỗ sâu.

5. Chữa rắn cắn: Hạt hay vỏ vông nem thái nhỏ, đun với một ít nước thành bột nhão đắp lên vết cắn.

6. Chữa kinh nguyệt không đều, rong kinh: Hoa vông nem 15g, sắc nước uống (Lê Trần Đức)

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC