Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Đ

Đinh Nam

08:05 20/05/2017

Ludwigia hyssopifolia (D.Don) Exell

Tên đồng nghĩa: Jussiaea linifolia Vahl, J. tenella Burm. f.

Tên khác: Rau mương, nhớt mèo, cây xương cá, rau lục.

Họ: Rau dừa nước (Onagraceae).

Mô tả

Cây thảo nhẵn, mọc đứng, phân nhánh, cao 20 - 40cm. Thân, cành có 4 cạnh rõ. Lá mọc so le, hình mác, gốc thuôn, đầu nhọn dài 4 - 8cm, rộng 0,8 - lcm, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt.

Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá,  không cuống, màu trắng; lá bắc hình vảy; đài hoa có ống hình trụ, 4 phiến đều; tràng hoa 4 cánh hẹp; nhị 8, bao phấn hình mắt chim; bầu loe ra ở đầu.

Quả hình trụ, nhẵn, dài 1,5 - l,8cm, gồm rất nhiều hạt có hai loại: những hạt phía trên trần, dẹt; những hạt phía dưới bao bọc bởi một vỏ dai hình 3 cạnh, mở ra thành hai mảnh.

Mùa hoa quả: tháng 7-9.

Đinh nam và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Ludwigia L. có 6 loài ở Việt Nam, đều là cây thân thảo sống một năm.

Đinh nam là cây phân bố rải rác ở khắp các vùng nhiệt đới, tập trung nhiều ở các nước vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, đinh nam được coi như loài cỏ dại, thường mọc ở nơi đất thấp, bờ ruộng hay những ruộng lầy thụt mới cạn thuộc các tỉnh từ vùng núi thấp (dưới l000m) đến trung du và đồng bằng. Hàng năm, cây con mọc từ hạt thuờng xuất hiện vào tháng 4-5. Sau mùa hoa quả, cây tàn lụi vào mùa thu.

Đinh nam ra hoa quả nhiều. Mỗi cây có tới trên 20 quả, trong quả có nhiều hạt, khi chín tự mở hạt phát tán ra ngoài. Hạt đinh nam khi rơi xuống bùn nhão, vẫn duy trì được sức nảy mầm đến mùa xuân năm sau.

Bộ phận dùng

Toàn cây, thu hái vào mùa hè thu, rửa sạch. Dùng tươi hoặc phơi khô. Cũng có khi sao vàng hạ thổ.

Thành phần hoá học

Lá đinh nam chứa chất đắng.

Ngoài ra, có một số dẫn liệu khoa học đáng chú ý về các flavonoid của 19 loài trong chi Ludwigia được công bố trong đó 8 chất Aavonoid gồm 4 glucoflavon như vitextin isovitextin lần đầu tiên tìm thấy trong chi này, 4 Aavonol flavonoid trên cơ sở phần genin là quercetin (CA 114, 1991, 182115u).

Tính vị, công năng

Theo y học cổ truyền, đinh nam có vị nhạt, tính mát, có tác dụng lương huyết, thanh nhiệt, giải độc.

Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, đinh nam được dùng chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm ruột, viêm họng, ho, cảm mạo, mụn nhọt ở trẻ em. Liều dùng 15 - 30g; dưới dạng thuốc sắc.

Dựa vào kinh nghiệm đó, Bệnh viện Y học dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã đùng cây đinh nam để chữa lỵ amip đạt kết quả tốt, có 57,4% bệnh nhân khỏi bệnh và 21,3% hết kén amip trong phân. Thuốc được dùng dưới dạng cao lỏng và dạng viên. Dạng cao lỏng: cứ lkg dược liệu nấu với 2-3 lần nước, rồi cô thành 1 lít cao lỏng. Người lớn ngày uống 4-6 thìa canh, chia làm 2-3 lần. Trẻ em giảm liều theo tuổi. Dạng viên: rễ và thân cây đinh nam nấu thành cao mềm, còn lá phơi khô tán nhỏ, rây bột mịn. Trộn đều bột và cao đến khi được một khối không dính tay, làm thành viên nhỏ như hạt đậu xanh. Mỗi lần uống 40 viên, ngày 1 - 2 lần.

Theo tài liệu nước ngoài, ở Malaysia, nước hãm của rễ đinh nam chữa bệnh giang mai. Ở Lào, cây đinh nam được dùng chữa đau khớp. Ở Indonesia, cả cây giã nát đắp chữa mụn nhọt, nốt sần.

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC