Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần T

Tai Tượng Đỏ

09:05 13/05/2017

Acalypha wilkesiana Muell. - Arg.

Tên khác: Tai tượng nâu, tai tượng trổ.

Tên nước ngoài: Copper leaf (Anh), acalyphe (Pháp).

Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, cao vài mét. Lá mọc so le, hình trái xoan hoặc hình trứng, gốc hình tim, đầu thuôn nhọn, màu lục hoặc đỏ loang lổ, mép khía răng.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành bông ngắn hơn lá; hoa đơn tính; hoa đực có 4 lá dài, 8 - 16 nhị; hoa cái có 3 lá đài bao quanh bầu 3 ô.

Quả nang.

Cây khá đa dạng vì màu sắc của lá và hoa.

Mùa hoa: tháng 5 - 6.

Phân bố, sinh thái

Acalypha L. là một chi lớn, gồm khoảng 430 loài, phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới. Ở Papua New Guinea có 18 loài, Philippin 16 loài, Thái Lan và Việt Nam đều có 10 loài, đảo Sumatra 6 loài và Borneo có 4 loài. Trong số 10 loài ở Việt Nam có 2 - 3 loài là cây nhập trồng làm cảnh, số còn lại là cây mọc tự nhiên.

Tai tượng đỏ có nguồn gốc ở quần đảo Figi hoặc Polynesia, sau được nhập trồng sang các nước vùng Đông Nam Á và các vùng nhiệt đới khác để làm cảnh. Cây trồng ở Việt Nam chưa rõ được nhập trồng từ bao giờ. Cây thưòng được trồng ở vườn gia đình, công viên hoặc ở các công sở.

Tai tượng đỏ thuộc loại cây ưa sáng và có thể sống được trên nhiều loại đất. Cây trồng ở nơi được chiếu sáng đầy đủ lá có màu đỏ thẫm. Ngược lại, cây mọc ở nơi bị che bóng nhiều, màu đỏ của lá sẽ nhạt hơn. Tai tượng đỏ sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, ra hoa nhiều nhưng hầu như không đậu quả. Cây trồng ở các tỉnh phía bắc có hiện tượng rụng lá và ngừng sinh trưởng do ảnh hưởng của thời tiết lạnh mùa đông.

Tai tượng đỏ có khả năng tái sinh chồi khoẻ sau khi bị chặt.

Bộ phận dùng

Lá, hoa và rễ. Rễ và lá, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô.

Thành phần hóa học

Rễ cành và lá tai tượng đỏ chứa các thành phần sterol, triterpen, alcaloid, hợp chất base có nitơ, carbon hydrat, glycosid, tanin pyưogalic, flavonoid và saponin (El Tohamy, SF; El Shabrawy A. O; CA. 119, 1993, 156236).

Mahran, Gamal; Shehata Ibrahim phát hiện trong lá tai tượng đỏ có tanin ngưng tụ (condensed tannins) và tanin thủy thân được (hydrolysable tannins) với hàm lượng cao. Một hợp chất flavonoid được phân lập và xác định là liquiritigenin. Phân tích sắc ký phân đoạn chiết bằng ether dầu hỏa đã phát hiện có p sitosterol và a amyrin.

Các dịch chiết từ tai tượng đỏ có hoạt tính kháng vi khuẩn và kháng nấm.

Tác dụng dược lý

- Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm: Dịch chiết lá tai tượng đỏ bằng phương pháp khuếch tán thuốc trong môi trường nuôi cấy có tác dụng kháng khuẩn đối với 7 chủng sau: Bacillus cereus, B. subtilis, Escherichia coỉi, Klebsiella pneumoniae, Proteus vulgaris, Serratia marcescens và Staphylococcus aureus. Trong những thí nghiệm khác bằng phương pháp khuếch tán thuốc và pha loãng hệ nồng độ cho thấy dạng chiết bằng nước và bằng cồn từ lá tai tượng đỏ có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm với các chủng sau: Staphylococcus aureus, Tricophyton rubrum, Tricophyton mentagrophytes, Candida albicans và Aspergillus flavus. Dạng chiết nước không có tác dụng ức chế đối với Klebsiella pneumoniae và Proteus mirabiỉis, còn dạng chiết bằng cồn ethanol lại có tác dụng ức chế rõ rệt. Nhìn chung dạng chiết bằng nước có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn và nấm, còn dạng chiết bằng cồn có tác dụng diệt khuẩn, nồng độ có tác dụng ức chế tối thiểu (MIC) là 1 - 64 mg/ml.

-Tác dụng chống ung thư: Phần chiết bằng nước của lá tai tượng đỏ dùng với liều 0,25 - 0,30 g/kg tiêm phúc mạc, phần chiết bằng cồn dùng với liều 2 g/kg tiêm phúc mạc, phần chiết bằng cồn chưa loại bỏ diệp lục tố dùng với liều 1 g/kg, thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, đều có tác dụng ức chế tế bào ung thư cổ tử cung U-14 rõ rệt.

Công dụng

Công dụng Ở Việt Nam, tai tượng đỏ chưa thấy được dùng làm thuốc. Trái lại, ở Trung Quốc, tai tượng đỏ (7 - 11 lá) phối hợp với đường kính lượng vừa đủ, sắc nước uống hoặc hầm với thịt lợn ăn chữa bệnh ban đỏ do tiểu cầu giảm (Phúc Kiến dược vật chí). Ở Nigeria một phòng thí nghiệm lâm sàng đã dùng kem và thuốc mỡ chế từ tai tượng đỏ chữa bệnh eczema có kết quà không có tác dụng phụ kích thích tại chỗ và khong gây dị ứng thuốc (Plant resources of South - East Asia 12-2. Medicinal and poisonous plants 2 - 2001 - 31)

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC