Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Đ

Điều

15:05 19/05/2017

Anacardium occidentale L.

Tên khác: Đào lộn hột, giả như thụ, cây đào.

Tên nước ngoài: Cashew nut, cashew apple (Anh); anacardier, pomme de Cajou, acajou à fruit, acajou à pommes ( Pháp).

Họ: Đào lộn hột ( Anacardiaceae).

Mô tả

Cây nhỡ hay cây to, cao 8-10cm. Cành hình trụ, nhẵn. Lá mọc so le, có phiến dày và dai, hình trứng ngược, dài 8-12cm, rộng 5 -7cm, gốc thuôn, đầu bằng đôi khi hơi lõm, hai mặt nhẵn; cuống lá mập dài 1- l,5cm.

Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm ngù phân nhánh, dài hơn lá; hoa nhỏ màu vàng nhạt, điểm nâu đỏ; đài hợp, 5 răng hẹp nhọn; tràng 5 cánh dài bằng hoặc dài hơn lá dài, mọc cong xuống; nhị 8-10; bầu hình thận.

Quả hạch, hình thận cứng (thường nhầm là hạt lộn ra ngoài) đính vào phần phình to hình quả lê (chính là cuống quả hay quả giả), phần này có màu vàng hoặc đỏ khi chín.

Mùa hoa: tháng 12 - 2; mùa quả: tháng 3- 6.

Điều và tác dụng chữa bệnh của nó

 

Phân bố, sinh thái

Chi Anacardium L. có 8 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Mỹ. Cây điều có nguồn gốc ở vùng Đông - Bắc Braxin, sau được trồng rộng rãi ở các nước vùng Trung và Nam Mỹ. Vào khoảng thế kỷ 17, người Bồ Đào Nha du nhập cây điều vào Philippin , Ấn Độ và Đông Phi, sau đến Srilanca, Malaysia, Indonesia và một số nước khác. Ở Việt Nam, cây điều được trồng nhiều ở các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước, Sông Bé, Tây Ninh, Đồng Nai, một số tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Cây không trồng được ở các tỉnh phía bắc (từ Hà Tĩnh trở ra).

Điều là loại cây gỗ nhỡ, thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và hơi khô. Lượng mưa hàng năm ở các vùng trồng điều trên thế giới chỉ khoảng trên dưới 1000mm, riêng ở Việt Nam, có thể đến 1500mm. Cậy sinh trưởng phát triển mạnh trong mùa mưa, ra hoa quả và thu hoạch hoàn toàn trong mùa khô. Điều có thể sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất pha cát hoặc trơ sỏi đá. Ở các tỉnh phía nam, cây thích nghi đặc biệt với loại đất đỏ bazan hoặc đất feralit đỏ vàng còn tương đối màu mỡ. Cây trồng từ hạt sau 3-4 năm bắt đầu có hoa quả. Hoa thụ phấn nhờ côn trùng, sau 2 tháng có thể thu hoạch.

Điều là cây thực phẩm quan trọng của vùng nhiệt đới. Tổng sản lượng hạt điều trên thế giới vào năm 1955 là 125000 tấn, đến 1986 tăng lên 365000 tấn. Trong đó, Ấn Độ chiếm 38%; Braxin: 33%; Đông Phi 25% (C.L.M. van Eijnatten, 1992 trong PROSEA, số 2 Edible fruit and nuts, 60 - 64). Việt Nam là nước phát triển trồng điều muộn, song vài năm gần đây, sản lượng điều đã đứng hàng thứ 3, sau Ấn Độ và Braxin.

Cách trồng

Điều là cây nhiệt đới không ưa lạnh, trước đây được trồng lẻ tẻ ở vùng thấp thuộc một số tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Trung Bộ. Gần đây, do nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, diện tích trồng điều đã tăng nhanh, năm 1991 đạt 136.650 ha, đến nay còn nhiều hơn nữa.

Cây điều nhân giống dễ dàng bằng hạt hoặc bằng các phương pháp vô tính. Nên dùng những quả nặng 6 - 7g, trọng lượng riêng trên 1,03 để làm giống. Có thể thả quả vào dung dịch đường 15%, quả chìm thì giữ lại, loại bỏ quả nổi. Nếu chiết hoặc ghép, nên chọn những cành 8-12 tháng tuổi của những cây 3 - 5 năm tuổi.

Điều rất dễ trồng, có thể mọc thành rừng, để che phủ đất, làm hàng rào chắn gió, chắn cát. Cây chịu được nhiều loại đất xấu, kể cả đất chua, phèn mặn. Nhưng nếu trồng để lấy quả và muốn có hiệu quả kinh tế thì phải trồng trên đất cát pha gần biển, tầng canh tác sâu, nhiều mùn, thoát nước, đầy đủ ánh sáng. Đặc biệt, phải trồng ở nơi có mùa khô rõ rệt kéo dài 5 - 7 tháng vào đầu năm là mùa quả chín. Nếu độ ẩm cao cây dễ bị nấm phá hoại.

Để trồng lấy quả, người ta thường ươm cây trong bầu hoặc vườn ươm, sau 2-3 tháng thì đem trồng. Thời vụ trồng tốt nhất vào mùa mưa. Nếu trồng muộn rễ chưa kịp ăn sâu thì đã đến mùa khô, cây dễ chết. Khi trồng, đào hố sâu 70 - 80cm, trộn 15 - 20kg phân chuồng hoai mục với đất rồi đặt cây giống. Mật độ trồng ban đầu không lớn hơn 400 cây/ ha (khoảng cách 5 X 5m), về sau tỉa bớt, chỉ để lại 200 cây rồi 100 cây (khoảng cách 10 X 10m), thậm chí ít hơn. Điều chỉ ra hoa ở cành 1 năm tuổi nằm phía ngoài của tán, nên trồng dày không có hoặc ít quả.

Tuy là cây dễ tính, hàng năm điều vẫn cần được bổ sung thêm phân. Ở thời kỳ ra quả, mỗi năm ngoài phân chuồng, cần bón thêm cho mỗi cây điều 200g sulfat đạm, 200g supe lân, 120g kali hoặc 400g NPK (tỷ lệ 11/22/16).

Vườn điều không cần làm cỏ, sau mùa mưa mới cắt cỏ để phủ gốc điều, ở thời kỳ đầu, có thể trồng xen đậu tương, đậu xanh, lạc, ngô, sắn. Tránh trồng xen thầu dầu vì thầu dầu là cây ký chủ của bọ xít muỗi (Helopeltis) - một loại sâu hại chính của điều.

Cây điều trồng được 4-5 năm thì cho thu hoạch. Những năm đầu chỉ đạt 200 - 300kg hạt/ ha, năm thứ 10 tăng lên 500kg, năm thứ 15 đạt 700 - 800kg/ ha. Nếu chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt cao hơn.

Quả điều thu hoạch xong phải bảo quản trong kho một thời gian dài trước khi chế biến. Cũng có thể để quả rụng rồi mới thu. Khi thu, vặn khẽ để tách quả ra khỏi quả giả, đem phơi nắng nhẹ đến khô rồi đưa vào kho.

Chế biến hạt điều và lấy nhựa là công việc phức tạp. Hạt điều phải tách sao cho còn nguyên vẹn, không bị gãy vỡ mới có giá trị thương phẩm cao. Nhựa ở vỏ quả điều nếu dính vào tay sẽ làm cháy da thịt. Hiện nay, phần lớn công việc đã được cơ giới hoá.

Bộ phận dùng

Nhân quả và dầu vỏ quả. Nhiều bộ phận khác cũng dùng như lá, vỏ cây, rễ.

Thành phần hoá học

Quả giả chiếm 90% trọng lượng quả. Quả thật gồm phần vỏ có 20% dầu và nhân chiếm 20% trọng lượng. 1. Quả giả chứa nhiều vitamin: vitamin Bj, vitamin Bj, vitamin c, p - caroten.

Loại quả vàng chứa hàm lượng vitamin c cao hơn loại quả đỏ, gấp gần 5 lần so với cam, hơn 5 lần so với chanh và gần 6 lần so với bưởi.

2. Nhân quả chứa 48% lipid và 19,4% protid: Dầu béo chứa các hằng số và chỉ số: nD 1,4610 - 1,4632, chỉ số xà phòng 182 - 197, chỉ số iod 77 - 89, chất không xà phòng hoá 0,6%.

Các acid béo gồm acid oleic 74%, acid linoleic 7,7%, acid palmitic 6,4%, acid stearic 11%, acid lignoceric 0,5%.

Nhân quả chứa nhiều acid amin, trong 100g có ly sin 1062mg, methionin 194mg, tryptophan 347mg, phenylalanin 888mg, threonin 868mg, valin 1280mg, leucin 1388mg, isoleucin 8ố8mg, arginin 1607mg, histidin 455mg, cystin 239mg, tyrosin434mg, alanin 781mg, acid aspartic 1801mg, acid glutamic 3796mg, glycin 1020mg, prolin 1062mg, serin 1214mg.

Ngoài ra, trong lOOg nhân còn có Na 16mg, K 369mg, Ca 32mg, p 41 lmg, Fe 3,9mg.

3. Vỏ quả: Vỏ quả chiếm 20% trọng lượng quả. Nếu so với trọng lượng quả thì dầu chiếm 20%. Nhưng trên thực tế sản xuất, chỉ lấy được 10% dầu .

Dầu vỏ quả là chất lỏng, nhớt, màu nâu sẫm, tan trong đa phần các dung môi hữu cơ (hexan, ether, toluen). Đó là loại dầu không khô.

Dầu vỏ quả chứa acid anacardic 90% và cardol khoảng 10%.

Dầu vỏ quả đã rang có D29 0,9578, chỉ số xà phòng 4,5, chỉ số iod 340. Acid anacardic dễ bị khử nhóm carbonyl, nếu đun nóng sẽ tạo thành anacardol.

Cardol là chất dầu màu vàng, không bay hơi, dễ bị sẫm màu khi gặp không khí. Chất này dễ làm dộp da tay.

Trong quá trình sản xuất, việc tách nhân và dầu vỏ thường được tiến hành ở nhiệt độ cao (khoảng 200°), sẽ xảy ra hiện tượng thuỷ phân, polyme hoá và ngưng tụ tạo thành cardanol có những ứng dụng trong sản xuất và cuộc sống.

Dầu vỏ quả ngưng tụ với formaldehyd cho sản phẩm có những đặc tính:

- Khi rắn lại, vẫn giữ được độ dẻo cao so với các nhựa phenol khác ngay ở nhiệt độ cao.

- Có thể hoà tan với các hydrocarbon tương tự như các nhựa trên cơ sở alkylphenol.

- Có thể chịu được acid, kiềm, có tính cách diện, chống nóng, chống cháy ở nhiệt độ cao, ở nhiệt lạnh, chống được ánh sáng mặt trời, có tính dai, đàn hồi, chịu mài mòn, ma sát lớn.

4. Các bộ phận khác: vỏ cây chứa 9% tanin, lá: 23% tanin và thân có chất gôm.

Tác dụng dược lý

Đã nhận xét thấy chất (-) epicatechin phân lập từ điều có tác dụng ức chế phù gây bởi caragenin; liều ức chế 50% là 74mg/ kg tiêm phúc mạc chuột cống trắng. Chất này cũng có tác dụng ức chế u hạt gây bằng viên bông nén và ức chế viêm khớp gây bằng chất bổ trợ. Cao chiết từ điều, hoà tan trong dung dịch nước muối 0,9% (20mg/ ml), tiêm tĩnh mạch cho chuột cống trắng làm giảm huyết áp và nhịp tim. Huyết áp trở lại mức cơ bản và thể hiện một đáp ứng thay đổi cho tới 240 phút, trong khi nhịp tim tăng ở 120, 180 và 240 phút.

Nước sắc phần bên trong vỏ cây điều có tác dụng hạ đường máu trên chuột cống trắng đã cắt bỏ tuyến thượng thận. Ở người, khi cho uống nước sắc này đã nhận xét thấy tác dụng hạ đường máu 15-20 phút sau khi uống và tác dụng tối đa ở 60 - 90 phút sau khi uống. Cho chuột cống trắng có đường máu bình thường uống dịch treo của cao khô lá cây điều chiết với cồn ethylic 50°, đã nhận xét thấy tác dụng hạ đường máu, với liều cao khô 250mg/ kg, cho uống một lần. Đo đường máu ở 2 và 4 giờ sau khi cho uống cao lá điều. Cao chiết với cồn 50° từ lá điều có tác dụng chống ung thư trong thử nghiệm trên ung thu gan ở chuột nhắt trắng.

Công dụng

Lá điều non phơi khô, thái nhỏ, 20 g- 30g, sắc với 400ml nước còn 100ml uống làm thuốc an thần gây ngủ; phối hợp với lá ngũ trảo, lá cù đèn, hạt ý dĩ,liều lượng bằng nhau, sắc uống lúc nóng để hạ nhiệt, làm ra mồ hôi. Lá già phơi khô, tán bột mịn, rắc trị vết thương và chữa ghẻ. Vỏ cây điều thái mỏng phơi khô, 8 - 16g, sắc uống chữa tiêu chảy, viêm họng. Nhân hạt điều phối hợp với các vị thuốc khác chữa kiết lỵ mạn tính, lỵ ra máu. Dầu ép từ nhân quả pha loãng, bôi hàng ngày chữa hắc lào, nứt nẻ kẽ chân, gót chân. Dịch ép quả giả tươi có vị ngọt, làm lên men thành một rượu nhẹ thơm ngon có tác dụng lợi tiểu; dùng ngoài xoa bóp chữa đau nhức, súc miệng chữa viêm họng, nhấm nháp chống nôn mửa.

Ở Indonesia, dịch ép quả giả cây điều được dùng ngậm chữa áp xe quanh amidan. Nhân dân châu Phi diệt muỗi anophen bằng cách lấy số lượng lớn quả giả cây điều chín rải quanh các hồ chứa nước, nơi loài muỗi này phát triển nhiều. Chất acid có trong quả đã tiêu diệt ấu trùng muỗi, nhưng không gây tác hại cho người và môi trường.

Bài thuốc có điều

Chữa lỵ mạn tính, lỵ ra máu:

Nhân hạt điều, vỏ quả măng cụt, rau má, mỗi vi 30g, hạt cau già 4g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc đặc thêm mật ong, và uống.

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC