Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần S

Sâm Cau

11:05 11/05/2017

Curculigo orchioides Gaertn.

Tên đồng nghĩa: Curculigo ensifolia R. Br.

Tên khác: Ngải cau, tiên mao, cồ nốc lan.

Tên  nước ngoài: Black musale (Anh).

Họ: Sâm cau (Hypoxidaceae).

Mô tả

Cây thảo, sống lâu năm, cao 20 - 30 cm, có khi hơn. Thân rễ mập, hình trụ dài, mọc thẳng, thót lại ở hai đầu, mang nhiều rễ phụ có dạng giống thân rễ. Lá mọc tụ họp thành túm từ thân rễ, xếp nếp như lá cau, hình mũi mác hẹp, dài 20 - 30 cm, rộng 2,5 - 3 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn gần như cùng màu, gân song song rất rõ; bẹ lá to và dài; cuống lá dài khoảng 10 cm.

Cụm hoa mọc trên một cán ngắn ở kẽ lá, mang 3 - 5 hoa màu vàng; lá bắc hình trái xoan, dài 3 răng có lông; tràng 3 cánh nhẵn; nhị 6, xếp thành hai dãy, chỉ nhị ngắn; bầu hình thoi, có lông rậm.

Quả nang, thuôn, dài 1,2 - 1,5 cm; hạt 1 - 4, phình ở đầu.

Mùa hoa quả : tháng 5-7.

Phân bố, sinh thái

Chi Curcuỉigo Gaertn. gồm các loài đều là cây thảo, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á. Việt Nam có 7 - 8 loài, trong đó sâm cau có lẽ là loài có hình thái nhỏ nhất.

Trên thế giới, sâm cau phân bố ở một số tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam và một vài nước khác ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây phân bố rải rác ở các tỉnh vùng núi, từ Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng đến Tây Nguyên.

Trước năm 1980, các tỉnh Sơn La, Hoà Bình thường khai thác được nhiều cây thuốc này và hiện nay đã trở nên hiếm dần. Gần đây, cây được đưa vào Danh mục đỏ cây thuốc Việt Nam (Nguyễn Tập, 1996 và 2001).

Sâm cau là loại cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc trên những nơi đất còn tương đối màu mỡ trong thung lũng, chân núi đá vôi hoặc ven nương rẫy. Cây sinh trưởng tốt trong mùa mưa ẩm, phần thân rẽ chính dạng củ, cắm sâu xuống đất; ra hoa quả hàng năm; khi quả già tự mở để hạt phát tán ra xung quanh.

Cách trồng

Sâm cau được nhân giống bằng hạt hoặc bằng mầm. Người dân thường đánh cây con mọc hoang về trồng. Rễ sâm cau hình trụ, ăn sâu, khi đánh trồng chú ý đào sâu lấy hết rễ. Nên đánh khi cây còn nhỏ. Thời vụ trồng tốt nhất vào mùa xuân. Các mùa khác cũng trồng được nhưng phải chăm sóc nhiều hơn.

Sâm cau sống rất khỏe, lá xanh tốt quanh năm, vì thế có thể trồng trong chậu, trong bồn như cây cảnh. Nếu trồng ở đất, có thể trồng với khoảng cách 30 X 40 hay 30 X 50 cm. cần bón một ít phân lót cho đất tơi xốp, thỉnh thoảng xới xáo, bón thêm phân. Thu hoạch vào cuối năm, đào lấy củ, rửa sạch, thái mỏng, phơi khô, cất giữ dùng dần.

Bộ phận dùng

Thân rễ, thu hái quanh năm, đào về rửa sạch ngâm nước vo gạo để khử bớt độc, rồi phơi khô.

Thành phần hóa học

* Phân tích bột thân rễ được các phần sau : cao ether 1,28%; cao cồn 4,14%; cao nước 19,92%; tinh bột 43,48%; sợi 14,18%; tro 8,60%, tanin 4,15%. (The Wealth of India, vol V. 1950,-p.400)

* Thân rễ sâm cau chứa các chất thuộc nhóm cycloartan triterpenic.

Misra Triguna N; Singh Ram. s đã phân lập và xác định chất 24-methyl - cvcloart - 7 - en - 3 - (3 - 0() di 1 (1) (CA. 113, 1990, 3338 w).

Xu junping, Xu Rensheng đã tách được các cycloartan glycosid là curculigo saponin A -» F G.H.I.J với cấu trúc của genin chung là curculigenin A được xác định là 3p, 10a, 16p trihydroxycyclo artan 24 - on (2).

(CA. 116, 1992, 231858 r; CA. 117, 1992, 147196 m; CA. 117, 1992, 108105 m).

* Các triterpen penta cyclic cũng được chiết xuất từ thân rễ sâm cau như acid 31 - methyl, 30 zo - 20 ursen - 28 oic. (Mehta. B. K. Gawarikar, Rekha; CA, 116, 1992, 1026425).

* Các phenvl glucosid và chlorophenvl glucosid curculigosid B, curculigin B và c có cấu trúc là :

2-P-D-glucopyranosvl oxv - 5 hydroxybenzyl - 2' methoxv - 6' hvdroxy benzoat;

24-dichloro-3-methvl - 5 - methoxyphenol-O-P-D- apio furanosyl (1 -» 6) - D - glucopyranosid; và 2,4,6 trichloro - 3 - methyl - 5 - methoxy phenol - o - p - D-xylopyranoyl (1 -> 6) - p - o - glucopyranosid. (CA. 117, 1992, 147178 g).

Curculigin A (3) là một ví dụ về chlorophenyl glucosid và corchiosid A (4) thuộc loại phenyl glucosid đều có ở thân rễ sâm cau.

* Một số chất aliphatic như 25 hydroxv 33 methyl penta tricontan 6 oa (CA. 113, 1990, 129340 s); hentricontanol, và các hợp chất chứa nitơ như N- acetyl - N-hvdroxy - 2 carbamic acid methyl ester; 3 acetvl - 5 - carbomethoxy - 2H - 3,4,5,6 tetrahydro - 12,3.5,6 oxatetrazin (5) và N-N, N'. N' tetra methvl succinamid cũng đã được phát hiện trong thân rễ sâm cau. (CA. 110, 1989, 132190 m; CA. 113, 1990, 129340 s).

Ngoài ra còn sucrose, sitosterol, stigmasterol và các hợp chất ílavonoid 5,7 dimethoxy đihvdromvricetin 3- O-a- L xvlopyranosyl- 4 - o - p - D - glucopyranosid, yuccagemin và lycorin...(Trung dược từ hải I, 1611).

* Yamasaki Kazuya đã định lượng một số mẫu sâm cau của Trung Quốc thấy hàm lượng curculosid khoảng 2% (CA. 120, 1994, 307596 j).

* Các chất curculigenin A, curculigol đã được nghiên cứu thấy có tác dụng chống độc cho gan (CA. 127, 1997, 44664 q).

Tác dụng dược lý

Rề sâm cau thử nghiệm dưới dạng cao cồn có hoạt tính làm tăng khả năng thích nghi, chống viêm, chống co giật, an thần, có hoạt tính hormon sinh dục nam, và kích thích miễn dịch. Cao nước của rễ có tác dụng phong bế thụ thể adrenergic alpha-2, gán với thụ thể của cholecystokin, ức chế hypoxanthin - guanin phosphoribosyl - transferase và tác dụng kích thích co bóp tử cung. Sau khi uống nước sắc rễ, có thể có tác dụng phụ sưng lưỡi.

Nghiên cứu dược lý cho thấy các curculigosaponin c và F có thể thúc đẩy sự tăng sinh tế bào lynipho ở lách chuột nhắt trắng rõ rệt và các curculigosaponin F và G làm tăng trọng lượng tuyến ức in vivo ở chuột nhắt trắng. Curculigosid từ rễ sâm cau có tác dụng kích thích miền dịch và bảo vệ cơ thể. Chất này được coi là một thành phần đặc trung của rễ sâm cau. Cao cồn 50° sâm cau có các tác dụng hạ đường máu, chống co thắt hồi tràng cô lập chuột lang gây bởi acetvlcholin và histamin, và có tác dụng ức chế sự phát triển của sarcom 180 ở chuột nhắt trắng.

Một chế phẩm cổ truyền của Ân Độ được dùng bổ sung cho thức ăn gồm sâm cau và một số nguyên liệu thực vật khác được thử nghiệm cho chuột cống trắng ăn, đã không làm thay đổi lượng thức ăn tiêu thụ, nhưng có tác dụng bảo vệ chống lại khối u gây bởi dimethvlbenzo anthracen ở chuột. Đã thử nghiệm điều trị cho những cạp vợ chồng vô sinh với người nam giới có các chứng giảm tinh trùng, tinh trùng chết, tinh trùng kém chuvển động và tinh trùng yếu. Bài thuốc gồm sâm cau và hai dược liệu khác được cho uống với sữa và đường trong 3 tháng. Kết quả có sự thay đổi đáng kể về khả năng sống của tinh trùng sau một tháng điều trị, trong đó có sự thay đổi về đặc tính hình thái của tinh trùng. Ở tháng thứ hai có sự tăng về số lượng và khả năng chuyển động của tinh trùng, đồng thời số lượng tinh trùng non giảm. Sau 3 tháng điều trị, tinh trùng bình thường phát triển ở 80% bệnh nhân nam giới, tương hợp với sự phát triển thai nghén ở người phụ nữ; 15 trong 50 bệnh nhân điều trị đã có con.

Tính vị, công năng

Sâm cau vị cay tính ấm, có độc, vào hai kinh tỳ và thận, có tác dụng thêm sức nóng, làm hết lạnh, cường dương, mạnh gân xương.

Công dụng

Sâm cau được dùng chữa nam giới tinh lạnh, liệt dương, người già đái són, lạnh dạ, kém ăn, tê thấp, lưng gối vận dộng khó khăn. Liều dùng mỗi ngày 12 - 20g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị khác. Còn dùng chữa hen và tiêu chảy. Nhân dân ở một số vùng dân tộc thiểu số dùng rễ củ sâm cau làm thuốc bổ. Dùng ngoài, rễ giã nát đắp chữa lở loét.

Trong y học cổ truyền Trung Quốc, nước sắc thân rễ sâm cau tán bột được dùng làm thuốc bổ chung, thuốc hồi sức để điều trị suy nhược cơ thể, đau lưng, viêm khớp, viêm thận mạn tính. Thuốc còn làm tăng huyết áp, và điều kinh. Ở Ân Độ, Nepal và Philippin, thân rễ sâm cau được dùng làm thuốc lợi tiểu và kích dục chữa bệnh ngoài da, loét dạ dày tá tràng, trĩ, lậu, bạch đới, hen, vàng da, tiêu chảy và nhức đầu. Ở Ân Độ, người ta còn dùng thân rễ sâm cau để gây sẩy thai dưới dạng thuốc sắc, hoặc thuốc bột uống với đường trong một cốc sữa. Rễ sâm cau là một thành phần trong bài thuốc cổ truyền Ân Độ gồm 10 dược liệu trị sỏi niệu. Dùng ngoài, rễ sâm cau giã nát, đắp chữa ngứa và bệnh ngoài da. Ở Thái Lan, thân rễ sâm cau là thuốc lợi tiểu và trị tiêu chảy. Ở Papua Niu Guinê, thân rễ và lá sâm cau được hơ nóng cho mềm, rồi chà xát trên cơ thể làm thuốc tránh thụ thai.

Ghi chú: Dùng sâm cau liều cao kéo dài sẽ gây cường dương, làm tinh hao kiệt sức. Người hư yếu không dùng.

Bài thuốc có sâm cau

1. Chữa liệt dương do rối loạn thần kinh chức năng:

Sâm cau 8g; sâm Bố Chính, hoài sơn, trâu cổ, kỷ tử, ngưu tất, tục đoạn, thạch hộc, mỗi vị 12g; cam thảo nam, cáp giới, ngũ gia bì, mỗi vị 8g. sắc uống ngày một thang.

2. Chữa phong thấp, lưng lạnh đau, thần kinh suy nhược, liệt dương:

Sâm cau 50g thái nhỏ sao vàng, rượu trắng 650ml. Ngâm trong 7 ngày hay hơn. Mỗi ngày uống hai lần vào trước hai bữa ăn chính, mỗi lần 25 - 30 ml.

3. Chữa nam giới liệt dương, phụ nữ tử cung lạnh khó thụ thai:

Sâm cau 20g; thục địa, ba kích, phá cố chỉ hồ đào nhục, mỗi vị 16g, hồi hương 4g. sắc uống ngày môt thang.

4. Chữa tê thấp, đau mình mẩy:

Sâm cau, hy thiêm, hà thủ ô, mỗi vị 50g, rượu trắng 650 ml. Ngâm trong 7 ngày hay hơn. Ngày uống 50 ml chia hai lần.

5. Chữa sốt xuất huyết:

Sâm cau 20g sao đen, cỏ nhọ nồi 12g, trắc bách diệp 10g sao đen, quả dành dành 8g sao đen. sắc uống ngày một thang.

6. Chữa huyết ấp cao, nhất là với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh:

Sâm cau, ba kích, dâm dương hoắc, tri mẫu, hoàng bá, đương quy, mỗi vị 12g. sắc uống ngày một thang.

 

 

 

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC