Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần N

Ngọc Lan Ta

09:05 25/05/2017

Michelia alba L.

Tên khác: Ngọc lan trắng.

Tên nước ngoài: Golden champa, yellow champa (Anh); champac (Pháp).

Họ: Mộc lan (Magnoliaceae).

Mô tả

Cây to, cao 10 -15m, có khi hơn, vỏ màu xám nâu. Lá mọc so le, hình bầu dục - thuôn, dài 15 - 20 cm, rộng 8 - 10cm, gốc tròn, đầu nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông thưa.

Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, màu trắng thơm; lá bắc có lông; bao hoa gồm đài và tràng phân hoá thành những phiến bằng nhau, dày, hình mác nhọn, xếp theo hình xoắn ốc; nhị nhiều, chỉ nhị ngắn và dẹt, bao phấn nứt dọc; lá noãn rời xếp theo đường xoắn ốc, mỗi lá noãn chứa 5-8 noãn.

Quả hình nón, gồm nhiều đại, mỗi đại có 1 - 8 hạt hình trứng.

Mùa hoa quả: tháng 5-8.

Ngọc lan ta và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Michelia L. có khoảng 30 loài, đều là cây gỗ, phân bố từ Ân Độ, Srilanca đến Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia. Một số loài là cây trồng để lấy tinh dầu của hoa dùng trong công nghệ mỹ phẩm.

Ở Việt Nam, chi này có 19 loài, trong đó ngọc lan ta là cây trồng. Có tài liệu cho rằng, loài này là kết quả của sự lai tạo tự nhiên giữa 2 loài M. champaca L. và M. montana Blume (Undang Ahmad Dasuki và Kuswwanto MS., 1999; Michelia L. in PROSEA N° 19, Essential oil plants; 138p). Ngọc lan ta cũng là cây trồng ở hầu hết các nước nhiệt đới Đông - Nam Á, Nam Á cũng như ở vùng á nhiệt đới Đông Á. Cây được trồng làm cảnh rải rác ở hầu hết các tỉnh phía bắc. Trong các đình chùa, công sở, công viên...Cây ưa sáng, thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm của vùng nhiệt đới, với ngưỡng tối cao đến 36 - 37°c về mùa hè và tối thấp 5 - 10°c về mùa đông. Ngọc lan ta ra hoa nhiều hàng năm nhưng ít đậu quả . Do đó, khả năng nhân giống tự nhiên rất hạn chế. Cây trồng chủ yếu bằng cách chiết cành hay giâm cành có sử dụng chất kích thích mọc rễ.

Bộ phận dùng

Hoa, dùng tươi hoặc phơi khô. vỏ thân, thu hái quanh năm, phơi khô. Còn dùng lá.

Thành phần hoá học

Theo Lin Zuming và cs, 1984, hoa ngọc lan ta chứa 23 thành phần, chủ yếu là Me a - methylbutyrat. Các chất còn lại là Et - a - methylbutyrat, acetaldehyd, Et OH, Me propionat, Me isobutyrat, Et butyrat, Me - butyrat, Me 2 - pentenoat, Me - hexanoat, Bu - pentanoat, ß - phelandren, ß - pinen, myrcen, limonen, Me benzoat, undecan, agarol, ocứnen, alocimen, terpinolen (CA 101; 69350 k). 

Theo Zhu Liangfeng và cs, 1984, hoa được chiết xuất bằng dung môi hữu cơ, phân đoạn dung môi chứa 32  thành phần trong đó các thành phần chủ yếu là Me dl - a - methylbutyrat 43,59%, linalol 76,29% (CA 101: 197917 n).

Lá tươi có alcaloid, hợp chất phenol, 0,7% tinh dầu trong đó có mehtyleugenol.

Rễ và vỏ thân có ushinsunin, oxyshinsunin, salicifolin, michelahin. (Trung dược từ hải I, 1993).

Tính vị, công năng

Hoa ngọc lan ta có vị đắng, cay, tính hơi ấm, có tác dụng giảm ho, tiêu đờm, ích phế, hoà khí. vỏ thân có vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu tiện.

Công dụng

Hoa ngọc lan ta được dùng chế nưóc hoa và trị viêm xoang, viêm phế quản, ho gà, đau đầu, chóng mặt, đau ngực, bạch đới. Ngày 6 - 12g, sắc uống.

Vỏ thân cạo sạch lớp bần bên ngoài, thái mỏng, phơi khô, chữa sốt, tiểu tiện khó, kinh nguyệt không đều, làm sáng mắt, thính tai. Ngày 30g, sắc chia làm 2 lần uống trong ngày. Lá (loại lá non và bánh tẻ), rửa sạch, giã nát, đắp chữa sưng tấy.

Bài thuốc có ngọc lan ta

1. Chữa ho, ho gà, viêm phế quản:

Hoa ngọc lan ta 5 - 7 cái, sắc lấy nước pha với mật ong uống trong ngày. Có thể dùng hoa ngọc lan 30g, mật ong 40g, nước 60ml, hấp cách thuỷ, uống. Dùng liền 4-5 ngày.

2. Chữa viêm phế quản mạn tính ở người già:

Lá ngọc lan ta và lá gừa mỗi vị 30g, giun đất khô 5g. Sắc uống, chia làm 2 lần uống trong ngày. Dùng nhiều ngày.

3. Chữa bạch đới do tỳ hư, thấp thịnh: Hoa ngọc lan ta 10g, ý dĩ nhân 30g, bạch biển đậu 30g, xa tiền tử (hạt mã đề) 5g. sắc uống.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC