Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần D

Dọt Sành

14:05 18/05/2017

Pavetta indica L.

 Tên khác: Cây cẳng gà, cây bã mía, thanh táo rừng, bông trang giả, kho som kao (Tày).

Tên nước ngoài:bWhite pavetta (Anh), bois de pintade (Pháp).

Họ: Cà phô (Rubiaceae).

Mô tả

Cây nhỏ hay cây nhỡ, cao 2-3m. Thân cành mảnh, mọc đối. Cành non nhẵn hoặc có lông nhỏ. Lá mọc đối, hình bầu dục-trái xoan hoặc hình mác thuôn, dài 10-20cm, rộng 2-7cm, gốc thuôn, đầu tù hay nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới đôi khi có ít lông, gân nổi rõ; lá kèm ngắn, hình tam giác, dễ rụng.

Cụm hoa mọc thành xim tán ở đầu cành, ngắn hơn lá; lá bắc rộng; hoa màu trắng hoặc tím nhạt; đài ngắn có 4 răng hình tam giác, ông đài hẹp hình chuông; tràng có 4 cánh thuôn, ống tràng hình trụ mảnh và dài; nhị 4, chỉ nhị ngắn, bao phấn thò ra ngoài; bầu 2 ô.

Quả mọng thuôn hoặc hình cầu, khi chín ăn được, có 2 hạt màu nâu đen.

Mùa hoa quả : tháng 8-12

Cây rất đa dạng gồm nhiều thứ :

- Pavetta indica L. var. canescens Pitard 

- Pavelta indica L. var. tomentosa Hook.

- Pavetta indica L. var. nigrescens Pierre

Dọt sành và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Pavetta L. gồm hầu hết các loài là cây bụi hoặc gỗ nhỏ, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á. Ở Việt Nam có 15 loài, 2 loài dùng làm thuốc trong đó có dọt sành.

Trên thế giới, dọt sành có ở các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Malaysia. Ở Việt Nam, cây phân bố rải rác ở các tỉnh miền núi, trung du (ít hơn), từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến các tỉnh Nam Tây Nguyên. Cây ưa ẩm, chịu bóng, thường mọc dưới tán rừng cây lá rộng thường xanh. Ở vùng trung du, có thể gặp dọt sành trong các quần thể cây bụi dọc theo bờ suối. Độ cao thay đổi từ vài chục đến hơn 1000m. Cây ra hoa quả nhiều và tái sinh bằng hạt. Trồng được bằng cây con và bằng hạt.

Bộ phận dùng

Rễ lá và gỗ. Dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.

Thành phần hoá học

Rễ dọt sành chứa glucosid (Glossary of Indian Medicinal Plants 1956). Vỏ rễ chứa d. manitol, glucosid đắng (điểm chảy 120°) tương tự salicin.

Cành chứa tinh dầu 0,55%, nhựa 1,9%, alcaloid 1,4%, và chất nhẩy 7,8%.

Lá có phản ứng dương tính với thuốc thử alcaloid. (The Wealth of India, voi VII, 1966).

Lá dọt sành còn chứa p sitosterol, a - amyrin, quercetin, acid cafeic, acid chlorogenic và acid 3 epiursolic. (CA, 1995, 122, 183161 h).

Tác dụng dược lý

Theo tài liệu nước ngoài, rễ dọt sành có tác dụng tẩy, lợi tiểu.

Tính vị, công năng

Rễ dọt sành có vị đắng, ngọt, đun sôi với nước cho mùi thơm dễ chịu.

Công dụng

Theo kinh nghiệm dân gian, nhiều bộ phận của cây dọt sành dược dùng làm thuốc chữa bệnh :

Gỗ dọt sành chẻ thành miếng nhỏ 10-20g, sắc với 400ml nước còn 100ml, chia làm 2 lần uống trong ngày, chữa bệnh tê thấp.

Rễ dọt sành dùng làm thuốc kích thích tiêu hoá, khai vị. Rễ đào về rửa sạch, tách lấy vỏ rễ, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng lấy 100-200g sao qua, tán nhỏ, ngâm với 500ml rượu 35°, càng lâu càng tốt. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 30ml. Có thể thêm đường cho dễ uống vì vỏ rễ có vị đắng.

Lá dọt sành loại bánh tẻ, rửa sạch, giã nát, đắp ngoài chữa mụn nhọt, hoặc ép lá lấy nước, bôi chữa vết bỏng do con giời leo. Nước sắc của lá đem tắm chữa ghẻ.

Theo tài nước ngoài, ở Ấn Độ, rễ dọt sành dược dùng chữa tắc phủ tạng (visceral obstructions), vàng da, đau đầu, bệnh đường tiết niệu và phù. Ở Mianma, rễ làm đồ khai vị.

Ở Malaysia, lá dọt sành giã nát đắp ngoài chữa ghẻ, mụn nhọt. Rễ giã nát chữa mẩn ngứa, nước sắc rễ dùng cho phụ nữ sau khi đẻ. Nước sắc đặc của lá dùng rửa chữa bệnh loét mũi. Ở Philippin, bột vỏ hoặc nước sắc vỏ cây điều trị tắc phủ tạng đặc biệt ở trẻ em. Nước sắc lá được dùng dưới dạng chườm nóng làm dịu các cơ đau của bệnh trĩ.

Quả dọt sành khi chín có vị ngọt, dùng để ăn tươi hoặc đóng hộp. Ở một số vùng Ấn Độ, người ta dùng hoa dọt sành làm rau ăn. Ở Thái Lan, chất thơm chiết từ hoa dọt sành được dùng trong kỹ nghệ mỹ phẩm.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC