Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần D

Dứa Bà

15:05 18/05/2017

Agave americana L.

Tên khác: Dứa Mỹ, cây thùa, cây lưỡi lê.

Họ: Thùa (Agavaceae).

Mô tả

Cây thảo lớn. Thân ngắn. Lá có bẹ to, mọc ốp vào nhau thành hình hoa thị ở sát gốc, phiến dày khum, hình dải, dài 1 - l,2m, rộng 1,5 - 2cm, đầu có mũi nhọn dạng gai dài, mép có gai xếp như răng cưa, hai mặt màu lục nhạt, pha xám, đôi khi đốm vàng.

Cụm hoa rất to, phân nhánh ở ngọn, mang trên một cán dài 5 - 10 m, có gai; hoa to rất nhiều, thường xếp 3 cái một, màu vàng lục; bao hoa hình phễu có ống ngắn; nhị đính ở gốc dài hơn bao hoa, chỉ nhị hình chỉ; bầu 3 ô, rất nhiều noãn.

Quả nang, hình trứng, có bao hoa tồn tại; hạt nhiều.

Dứa bà và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Agave L. là một chi lớn, có khoảng 275 loài, phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới, nhưng tập trung nhiều nhất ở châu Mỹ. Ngay từ thế kỷ 13 - 14, một số loài đã được đưa vào trồng để lấy sợi như : A.canthala, A.heterancatha, A.fourcroydes, A.lecheguilla, A.sisalana... Các nước ở vùng Trung Mỹ và Caribê vẫn là nơi sản xuất nhiều dứa sợi nhất thế giới.

Chi Agave L. ở Việt Nam có 7 - 8 loài. Loài dứa bà đang được trồng hiện nay có nguồn gốc từ Mexico, không rõ nhập từ khi nào. Cây được trồng chủ yếu làm bờ rào ở vùng đồi trung du hoặc ven biển.

Dứa bà là loài cây đặc biệt ưa sáng và chịu được khô hạn. Cây có thể trồng được trên đất cát ven biển hoặc trên các đồi trọc trơ sỏi đá. Cây có khả năng tái sinh chồi gốc. Loại cây chồi này là nguồn giống chính để trồng. Tuy nhiên, do tốc độ đẻ nhánh chậm, người ta thường phải tạo cây giống bằng nuôi cấy mô. Cây trồng bằng nhánh con sau 6-7 năm mới có hoa quả. Trong mỗi quả có nhiều hạt, song chưa quan sát được cây con mọc từ hạt.

Với một số đặc điểm sinh học kể trên, dứa bà là một trong số rất ít loài cây có ích, có thể sử dụng để phủ xanh những vùng đồi trọc khô cằn vùng trung du hoặc cải tạo vùng truông gai đang bị hoang mạc hoá ở Nam Trung bộ (Bình Thuận, Ninh Thuận).

Cách trồng

Dứa bà được trồng làm hàng rào hoặc làm cảnh ở đình chùa. Gần đây cây được trồng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

Cây được trồng bằng nhánh con hoặc nhân giống bằng nuôi cấy mô khá dễ dàng. Đất nào cũng có thể trồng được, hiệu quả nhất là đất đồi trọc, đất hoang hoá. Thời vụ trồng vào mùa xuân hoặc lúc có mưa. Cây sống khoẻ, không sâu bệnh, không cần chăm sóc. Chỉ cần đào hố, đặt cây và lấp đất là cây có thể mọc.

Bộ phận dùng 

Thân, rễ và lá.

Thành phần hoá học

Dứa bà là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất sợi dứa chịu mặn và hecogenin. Lá dứa bà có nhiều đường khử, sacharose, chất nhầy và vitamin E. Ở các nước châu Mỹ la tinh, nước ngâm lên men trong công nghệ sản xuất sợi dứa bà chứa khoảng 11% đường lên men và 5% saponosid steroid. Sau khi thuỷ phân và chiết với các dung môi hữu cơ , thu được hecogenin và tigogenin.

Từ một loài dứa bà, Bộ môn Dược liệu Trường Đại học Dược Hà Nội đã chiết xuất được hecogenin với hiệu suất 0,03% từ lá tươi (Dược học 6, 1974).

Công dụng

Theo kinh nghiệm nhân dân, lá dứa bà phơi khô, thái nhỏ, sắc uống chữa sốt, tiểu tiện khó. Rễ dứa bà rửa sạch, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô, rồi sao vàng, ngâm rượu 30° với tỷ lệ 100g/l lít trong một tháng. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 5-10 ml. Thuốc kích thích tiêu hoá, giảm đau nhức, chữa thấp khớp. Nhựa lá hoặc rễ dứa bà giã nát, ngậm nhổ nước chữa đau nhức răng. Dùng ngoài, lá dứa bà giã nát, đắp chữa ứ huyết, vết thương lở loét.

Ở Trung Quốc, cây dứa bà được dùng làm thuốc trừ sâu. Ở Lào và Campuchia, nhựa lá là thuốc lợi tiểu, nhuận tràng. Lõi thân dược dùng chữa sốt, đắp ngoài chữa vết sưng đau. Theo kinh nghiệm dân gian ở Italia, dịch ép lá dứa bà chữa vết thương và ở Peru, nước sắc lá dứa bà làm tản máu và cũng chữa vết thương.

 

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC