Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần B

Bấc

15:05 18/05/2017

Bấc có tên đồng nghĩa :Juncus communis E. Mey.

Tên khác :Cỏ bấc dòn, tim bấc, đăng tâm thảo.

Tên nước ngoài :Soft matting rush, common rush, flutter rush (Anh); jonc (Pháp).

Họ: Bấc (Juncaceae).

Mô tả

Bấc - Juncus effusus L. Cây thảo, cao 0,5 - 1 m. Thân tròn cứng, mọc thành cụm dày; ruột xốp cấu tạo bởi những tế bào hình sao. Lá thuyên giảm rất nhiều, chỉ còn lại bẹ ở gốc thân.

Cụm hoa mọc ở giữa thân, phân nhánh xếp thành hình cầu gồm rất nhiều hoa đều, lưỡng tính, màu lục nhạt; bao hoa khô xác, không phân hoá; nhị 3, bao phấn hình sợi; bầu có vòi ngắn.

Quả nang chứa nhiều hạt nhỏ.

Mùa hoa quả: tháng 3-7.

Bấc và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Juncus L. có hơn 50 loài trên thế giới, hầu hết là những loài cỏ sống nhiều năm, phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới, cận nhiệt đới và ôn đới ấm. Riêng ở Ấn Độ có 30 loài.

Ở Việt Nam có 4 loài, trong đó Juncus effusus L.được dùng làm thuốc. Loài này cũng có ở Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ ... Bấc là cây thảo thường xanh, sống nhiều năm, mọc từng khóm sau lan ra thành những đám lớn trên những vùng đất lầy. Cây có khả năng mọc vươn theo mức nước bị ngập.

Bấc phân bố ở hầu hết các tỉnh, từ vùng ven biển đến trung du và cả vùng núi. Những địa phương thường khai thác thu được nhiều loại dược liệu này là Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, và Thanh Hóa ...Bấc sinh sản dưỡng sinh mạnh bằng cách đẻ nhánh con từ gốc. Hạt giống rơi xuống bám được vào bùn, đất mới có khả năng nảy mầm tốt.

Bộ phận dùng

Lõi thân hay ruột bấc. Cả cây được thu hái vào tháng 9-10, cắt về rạch dọc thân cây để lấy lõi riêng ra, bó từng bó rỗi phơi hay sấy khô. Có thể dùng nguyên sợi bấc hoặc làm thành bột bằng cách tẩm bấc với nước cơm phơi khô mới dễ tán, sau đó cho vào nước, vớt bột bấc nổi phía trên mà dùng.

Thành phần hóa học

Trong cây bấc có tinh dầu.

Thành phần tinh dầu gồm linalool, undecan - 2 - on, tridecan - 2 - on, 1,2- dihydro, 1,5,8 trimethylnaphtalen, a - ionon, p - ionon, p - bisabolen, 6,10,14 - trimenthyl pentadecan 2 - on, a - cyperon, effusol, juncusol. Người ta cũng tách được 9 hợp chất 9-10 dihydro phenanthren, trong đó có 7 hợp chất có tính chất độc với tế bào. Juncosid I

Ngoài ra còn có araban, phlobaphen, methyl pentosan, một hợp chất cycloartan lacton glucosid là juncosid z đã được tách và xác định cấu trúc. Trong quả và cành non có acid amin, đường tự do, glucose, galactose, saccharose. Ruột bấc có cellulose, dầu béo và protein.

Tác dụng dược lý

Nước sắc của ruột thân cây bấc có tác dụng chống sỏi thận, lợi tiểu và giải độc. Rễ cũng có tác dụng lợi tiểu.

Tính vị, công năng

Bấc có vị ngọt, nhạt, tính hơi hàn, vào các kinh tâm, phế, tiểu trường, có tác dụng thanh tâm, giáng hoả, lợi thuỷ, thông lâm.

Công dụng

Bấc làm mát tim phổi, chống sốt cao, tâm phiền, tim hồi hộp, khó ngủ, trẻ khóc đêm, lợi tiểu tiện, tiêu phù thũng, vàng da, miệng lưỡi lở loét, viêm họng. Ngày uống 2 - 8 g dưới dạng thuốc sắc, thuốc bột, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Người trúng hàn hoặc tiểu tiện không khống chế được, không được dùng.

Bài thuốc có ruột bấc

1. Chữa tiểu tiện ít, khó đái, phù thũng:

- Bấc 8g, nước 250ml. Đun sôi trong 15 phút, chia ba lần, uống trong ngày.

- Bấc 8g, mộc thông, mã đề, cỏ xước, mỗi vị 12g. Sắc chia ba lần uống trong ngày.

2. Chữa đái buốt, đái dục, đái ra máu:

Bấc, rễ cỏ tranh mỗi vị 8g, sắc uống trong ngày.

3. Chữa tim hồi hộp, khó ngủ, miệng khát:

Bấc 4g, lá tre, mạch môn mỗi vị 12g, sắc uống.

4. Chữa viêm họng, lở loét miệng:

Bấc đốt tồn tính, lấy bột thổi vào họng hoặc bôi vào chỗ lở loét.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC