Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần M

Mù U

14:05 23/05/2017

Calophyllum inophyllum L.

Tên đồng nghĩa: Calophyllum bintagor Roxb.

Tên khác: Hồ đồng, cây cồng.

Tên nước ngoài: Pannay tree, poon, Alexandrian laurel, dilo oil tree (Anh); laurier d'Alexandrie, calophvlle à feuilles fibreuses (Pháp).

Họ: Măng cụt (Guttiferae).

Mô tả

Cây to, cao 20 - 25m. Cành non tròn, nhẵn, màu lục, cành già màu nâu. Lá mọc đối, phiến dày và cứng, dài 10 - 17cm, rộng 5 - 8cm, gốc tròn hơi thuôn, đầu tù, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục bóng, gân phụ rất nhiều và rõ, mọc sít nhau gần thẳng góc vói gân giữa, mép nguyên; cuống lá dày và dẹt, dài 0,8 - 2cm.

Cụm hoa mọc thành xim ở kẽ lá và đầu cành; hoa màu trắng; lá đài 4, khum; cánh hoa 4, thơm; nhị rất nhiều, chỉ nhị mảnh; bầu tròn, nhẵn.

Quả hạch, hình cầu, vỏ ngoài mỏng, vỏ trong dày hoá gỗ; hạt có dầu.

Mùa hoa: tháng 8 - 9; mùa quà: tháng 10 - 11.

Mù u và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Calophyllum L. Ià một chi lớn ở vùng nhiệt đới châu Á và châu Đại Dương.

Ở Việt Nam có 14 - 15 loài; trong đó mù u phân bố rộng rãi từ Thái Lan, Malaysia đến Lào, Campuchia, Philippin, Indonesia và một số đảo ở Nam Thái Bình Dương.

Ở Việt Nam, mù u phân bố chủ yếu ở vùng núi thấp, thuộc các tỉnh miền Trung, khu Bốn cũ, Đông và Tây Nam Bộ. Cây thường mọc ở ven rừng kín thường xanh, rừng thứ sinh và rừng ở các đảo lớn. Ở Nam Bộ, mù u mọc dọc theo các bờ kênh rạch cao. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Có nơi người ta trồng mù u bằng những cây con thu từ tự nhiên để lấy bóng mát.

Bộ phận dùng

Dầu, nhựa. Hạt thu hái vào mùa đông, đập vỡ vỏ lấy nhân, dùng tươi hoặc ép lấy dầu. Nhựa lấy quanh năm, phơi khô, tán bột.

Thành phần hoá học

Hạt mù u chứa 41 - 51% dầu. Nếu chỉ tính so với nhân thì hàm lượng dầu có thể đến 71,5%. Dầu thô gồm hai phần: dầu béo và nhựa (Đỗ Tất Lợi, 1977, 1999).

Dầu mù u ép từ hạt chứa acid palmitic 18,34%, acid stearic 15,32%, acid oleic 37,35%, acid linoleic 28,67%.

Theo Phạm Quốc Long và cộng sự, 1998, các lipid trong hạt mù u gồm phần không phân cực, trong đó có các triglycerid 63,9%, các hydrocarbon và ester khác 0,43%, phân lipid phân cực trong đó có phospholipid và glucolipid 31,7%, các acid tự do 0,1%.

Lá chứa (2S, 3R) - 2,3 - đihydro - 5 - hydroxy - 2,3, 8,8 - tetramethyl - 6 - (1 - phenỵlethenyl) - 4H, 8H - benzo (1,2 - b,3,4 - b') dipyran - 4 - on; (2R,3R) - 2.3 - dihydro - 5 - hydroxy - 2,3,8,8 - tetramethyl - 4 - (1 - phenylethenyl) - 4H, 8H - benzo (1,2 - b:3,4 - b') đipyran - 4 - on (Khan Nizam Ưd - Din và cs, 1996).

Vỏ rễ có các caloxanthon A, B, c, D, 4 - hydroxyxanthon, macluraxanthon, 1,5 dihyđroxyxanthon, (-) - epicatechin (Ilinuma Munekazu và cs, 1994 — (CA, 120: 319. 363 u); Ilinuma Munekazu và cs, 1994 (CA,121: 5132 w); Ilinuma Munekazu và cs, 1995 (CA, 122: 261089 g).

Lõi gỗ chứa caloxanthon E, và 4 xanthon khác là 1.3.3 - trihyđroxy - 7 - methoxy; 1,3 - dihydroxy - 7,8 - methoxy - ; 1,3,5 - trihydroxy - 2 - methoxy và 6 - hydroxy - 1,5 - dimethoxy - và các flavonoid: (+) - (2R,3S) - 2,3 - dimethyl - 5 - hydroxy - 6 - (3 - methvlbul - 2 - enyl) - 7 - methoxy - 8 - (2 - carboxyl - 1 - phenylethyl) - 2,3 - dihydrobezopyran; pyranoamentoflavon (Ilinuma Munekazu và cs, 1995 (CA,122: 261089 g); Goh Swee Hock và cs, 1992 (CA, 118: 77036 d) .

Ngoài ra, mù u còn có calonolid, calophylolid, các inophylum A, B, c, D, E, p, G - 1, G - 2, acid calophylic, acid iso calophylic (Patil Ashok Dharmaji và CS, 1992, CA 121: 170524 h).

Tác dụng dược lý

Calophylolid phân lập từ mù u gây giảm 60,7% phù thực nghiệm chân chuột cống trắng với liều 40mg/kg tiêm phúc mạc, so sánh với tác dụng của hydrocortison ức chế phù chân chuột 44% với liều 10mg/kg; có tác dụng làm giảm độ thấm mao mạch. Thử nghiệm trên thỏ thấy dầu mù u có tác dụng làm mau lành vết thương rõ rệt. Gây vết thương bằng cách cắt bỏ miếng da ở đầu thỏ, hàng ngày bôi dầu mù u lên vết thương, theo dõi đo đường kính vết thương hàng ngày, đồng thời làm thêm xét nghiệm vi khuẩn và giải phẫu bệnh lý.

Vỏ thân mù u thử nghiệm trên chuột nhắt trắng có tác dụng làm giảm hoạt động tự nhiên, thời gian bám trên trục quay, hoạt động trên chuột đã gây tăng hoạt động với amphetamin, hiệp đồng tác dụng với thuốc ngủ barbituric, gây hạ huyết áp nhẹ trên thỏ. Có tác dụng giảm loét dạ dày ở chuột nhắt trắng gây bằng reserpin, bằng thất môn vị, hoặc gây gò bó căng thẳng; giảm acid hydrocloric toàn phần và tự do trong dịch vị chuột. Không có tác dụng giảm phù chân chuột gày bởi dextran, và không dập tắt phản xạ tự vệ "chạy trốn" của chuột.

Cả cây mù u trừ rễ có tác dụng hạ huyết áp, hạ nhiệt, gây dãn hồi tràng cô lập chuột lang.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy dầu mù u ép từ hạt già nấu thành xà phòng có tác dụng tốt để trị ghẻ, và thuốc mỡ bào chế từ đầu mù u có tác dụng trị bỏng, mụn nhọt, lở loét nhỏ. Áp dụng trong điều trị 350 ca lộ tuyến và lộ tuyến viêm tử cung, kết quả lành, tốt 92%. Dầu còn có tác dụng tốt điều trị mạch lươn.

Tính vị, công năng

Nhựa mù u có màu lạc nhạt, mùi thơm, có vị mặn đắng, tính rất lạnh, có tác dụng gây nôn, giải độc. Dầu ép có tác dụng chữa bệnh ngoài da.

Công dụng

Nhựa mù u phơi khô, tán bột rắc chữa mụn nhọt, lở loét, tai có mủ. Nhựa hoà với nước hoặc mài gỗ với nước bôi làm tan các chỗ sưng cứng, chữa họng sưng không nuốt được, cam răng tẩu mã thối loét và các mụn tràng nhạc không tiêu.

Nhân hạt mù u giã nát hoặc ép lấy dầu, rồi trộn với ít vôi, đun nóng, bôi ngày 2 -3 lần đổ chữa ghẻ và một số bệnh ngoài da khác. Một số bệnh viện đã dùng chế phẩm từ dầu mù u điều trị vết thương và bỏng có kết quả tốt, có tác dụng kháng khuẩn mạnh, làm mô hạt phát triển rất nhanh, sạch vẩy, hết mủ, không còn mùi hôi ở vết thương. Có người dùng dầu mù u xoa bóp chữa tê thấp, bôi trị mụn trứng cá, trĩ.

Ester ethylic của dầu mù u điều trị có kết quả chứng viêm dây thần kinh do bệnh phong, với liều dùng là 5 - 20ml uống hoặc xoa bóp. Có thể dùng nhiều ngày.

Ở Ân Độ, dầu hạt mù u bôi ngoài chữa thấp khớp và bệnh da. Dầu tinh chế được dùng tiêm bắp chữa đau cho bệnh nhân phong, vỏ cây giã đắp chữa viêm tinh hoàn, và dịch ép vỏ cây dùng uống làm thuốc tẩy. Nước sắc vỏ cây là thuốc rửa trị những vết loét khó lành. Nhựa mù u có tác dụng gây nôn và tẩy. Lá độc đối với cá.

Theo kinh nghiệm của y học dân gian ở Madagascar, dầu hạt mù u được dùng trị bệnh phong, bệnh da, diệt sâu bọ, và chế thuốc gội đầu trị chấy; nhân hạt diều trị vết thương, hạt mù u được trộn với cơm để làm bả chuột.

Bài thuốc có mù u

1. Chữa cam tẩu mã, chân răng thối loét:

Nhựa mù u trộn với bột hoàng đơn, bôi vào chân răng, liên tục.

2. Chữa răng đau chảy máu hay lợi răng tụt xuống, chân răng lộ ra:

Rễ mù u, rễ câu kỷ với tỷ lệ bằng nhau, sắc nước ngậm.

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC