Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần O

Ô Rô

11:08 03/08/2017

Ô Rô có tên đồng nghĩa: Acanthus ebracteatus Vahl

Tên khác: Ô rô nước, ắc ó

Tên nước ngoài: Sea holy, holy - leaved acanthus (Anh); acanthe, feuille Sainte d'Acanthe (Pháp)

Họ: ô rô (Acanthaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, cao 0,50 - 1,50m. Thân tròn nhẵn, màu lục trắng nhạt, có lấm tấm đen. Lá mọc đối, không cuống, phiến cứng, hình mác, dài 15 - 20cm, rộng 4 - 8cm, mép lượn sóng, có thùy nông và răng cưa không đều kết thúc bằng một gai nhọn sắc, hai mặt nhẩn, mặt trên bóng láng, mặt dưới nhạt; lá kèm dạng gai.

Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành xim bông; hoa màu trắng xếp từng đôi một đối xứng nhau, mỗi hoa có một lá bắc to và 2 lá bắc con cứng; đài có 4 răng giống lá bắc, 2 răng ngoài to hơn; tràng hợp thành ống ngắn, môi trên teo đi, môi dưới xẻ 3 thùy nông tròn, thùy giữa nhỏ; nhị 4; bầu 2 ô. Quả nang tròn, màu nâu bóng, chứa 4 hạt dẹt. Mùa hoa quả: tháng 10-11.

Ô rô và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Acanthus L. là một chi nhỏ có khoảng 25 loài, phân bố chủ yếu ở vùng Địa Trung Hải, châu Phi và vùng nhiệt đới của châu Á. Ở Việt Nam, chi này có 4 loài. Loài ô rô phân bố rải rác từ đảo Hải Nam - Trung Quốc đến Malaysia, Thái Lan, Ân Độ và Mianma. Ở Việt Nam, ô rô phân bố chủ yếu ở các tỉnh dọc theo bờ biển và ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Cây ưa sáng, thường mọc thành bụi hay đám lớn bên bờ các kênh rạch và trên đất lầy thụt ở cửa sông. Cây có thể sinh trưỏng phát triển tốt ở vùng nước lợ cũng như nước ngọt. Do đó, ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ như Hà Tây, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam... đôi khi cũng gặp ô rô mọc rải rác ở các ao hồ và vùng đồng chiêm trũng.

Cây ra hoa kết quả hàng năm. Hạt giống phát tán nhờ nước, song chỉ có những hạt trôi giạt được vào bờ mới có thể nảy mầm được. Ô rô có khả năng tái sinh cây chồi khỏe sau khi bị chặt.

Bộ phận dùng

Cả cây kể cả rễ thu hái quanh năm. Dùng tươi hay phơi khô.

Tác dụng dược lý

1. Tác dụng kháng khuẩn: Dùng phương pháp khuếch tán trong môi trường thạch, thấy đường kính vòng vô khuẩn (mm) như sau: Staphylococcus aureus 8,66; Klebsiella pneumoniae 8,17; Proteus vulgaris 7,67; Bacillus anthracis 7,33; Streptococcus pneumoniae 6,80. Không thấy có tác dụng trên Salmonella typhi, Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli.

2. Tác dụng lợi tiểu: Cao khô ô rô được chế biến bằng cách dùng toàn cây, phơi khô, nghiền thành bột, chiết bằng cồn 50°. Dịch thu được cô áp suất giảm đến thể chất cao khô. Thử trên chuột cống trắng 100 - 150g. Chuột được nhịn đói qua đêm, sáng hôm sau cho mỗi con uống NaCl 0,9% 5ml/100g. Dùng cao khô ô rô liều 250mg/kg, thấy lượng nước tiểu tăng rõ rệt so với lô đối chứng.

3. Thử độc tính cấp: Dùng cao khô ô rô, tiêm trong màng bụng cho chuột nhắt trắng liều 1000mg/kg, chuột không chết.

Tính vị, công năng

Ô rô có vị mặn, hơi chua, hơi đắng, tính hàn, có tác dụng lợi thủy, trừ thấp, thanh, nhiệt, chống viêm, tiêu đờm, hạ khí.

Công dụng

Cả cây ô rô được dùng chữa bệnh gan, tê thấp, nhức mỏi, ho đờm, hen suyễn, thủy thũng, đái buốt, đái dắt, tràng nhạc, bệnh hạch bạch huyết, nhiễm khuẩn. Ngày dùng 30 - 60g sắc uống. Lá và búp non rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống, bã đắp chữa rắn cắn. Xí nghiệp Dược Hậu Giang đã chiết từ lá ô rô dạng cao rồi làm viên gọi là viên KS 84 để chữa các bệnh viêm nhiễm thông thưòng. Lá và ngọn ô rô sao boc vào vải, chườm nóng vào các chỗ đau nhức, thấp khơp và đau thần kinh.

Bài thuốc có ô rô

1. Chữa gan lách sưng to: Ô rô 30g, cây thóc lép 12g, liên kiều 15g, sắc uống trong ngày. Dùng nhiều ngày.

2. Chữa đau gan, nhuận gan, giải độc gan: Ô rô 30g, vỏ thân hay lá quao 30g, sắc uống. Các xí nghiệp dược Bến Tre và Minh Hải đã sản xuất cao ô rô - quao gồm ô rô 500g, vỏ cây hoặc lá quao 500g sắc rồi cô lấy cao. Thêm 400g đường kính, 40ml cồn 90° và lg acid benzoic vừa đủ 1 lít rồi đóng chai. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml.

3. Chữa tràng nhạc, u và bệnh hạch bạch huyết: Ô rô 30g, thóc lép 12g, mỏ quạ 20g, sắc uống trong ngày. Dùng nhiều ngày.

4. Chữa thấp khớp, đau lưng, nhức xương, tê bại: Rễ ô rô 35g, canh châu 25g, quế chi 4g, rễ cây kim vàng 18g. Các vị tẩm rượu, sao vàng, sắc chia 2 lần uống trong ngày vào lúc đói.

5. Chữa ho đờm, heh suyễn: Ô rô 30g, thịt lợn nạc 60 - 120g, nước 500ml, ninh nhỏ lửa cho sôi kỹ trong 6 giờ đến khi còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày.

6. Chữa táo bón, nước tiểu vàng: Rễ ô rô 35g, vừng đen 30g, lá muồng trâu 18g. Vừng giã nát, 2 vị kia thái nhỏ, sắc chia 3 lần uống trong ngày.

7. Chữa rong huyết: Rễ ô rô sao giấm đến cháy đen 35g, rễ hoàng sao cháy tổn tính 35g, kinh giới sao cháy tồn tính 18g. sắc chia 2 lần uống trong ngày. Dùng nhiều ngày.

8.  Chữa ho gà: Hoa ô rô 20g tẩm mật ong hay mật mía, sao đến khồ. Sắc chia 2 lần uống trong ngày. 

Có thể bạn quan tâm:

>> Bài thuốc nam hỗ trợ trị bệnh viêm phần phụ

>> Đông y điều trị hiệu quả và phòng tái phát bệnh viêm phần phụ

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC