Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Q

Quất

09:05 25/05/2017

Quất có tên khác: Kim quất.

Tên nước ngoài:  Kumquat, cheưy orange.

Họ: Cam (Rutaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, không gai, cao 1 - 2 m, tán lá thường tròn đẹp. Lá mọc so le, hình bầu dục hoặc mũi mác, dài 4 - 8 cm, rộng 2-4 cm, gốc thuôn hẹp, đầu nhọn đôi khi hơi lõm, mép nguyên, hai mặt nhẵn, gân lá nổi rõ ở mặt dưới; cuống lá dài khoảng 1 cm, không có cánh.

Hoa màu trắng, thơm, mọc riêng lẻ ở kẽ lá; đài có 5 răng hình tam giác, có lông nhỏ ở mép; tràng 5 cánh hình bầu dục; nhị khoảng 20, ngắn hơn cánh hoa, dính liền ở gốc; bầu hình cầu.

Quả hình cầu, không dẹt ở hai đầu, khi chín màu đỏ vàng, vỏ mỏng, dịch quả rất chua. Mùa hoa: tháng 11 - 12; mùa quả: tháng 1-2.

Quất và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Quất có nguồn gốc ở Trung Quốc và Nhật Bản, đã được trồng từ lâu đời để làm cảnh và lấy quả ăn. Ở Việt Nam, quất được trồng chủ yếu ở ngoại thành Hà Nội (nhất là vùng Quảng Bá, Quảng An, Tứ Liên...) và các tỉnh lân cận. Những năm gần đây, quất được đưa vào trồng ở miền Nam (thành phố Hồ Chí Minh), bước đầu có kết quả tốt. Quất là loại cây phân cành nhiều, ưa ẩm và ưa sáng, sinh trưởng phát triển mạnh trong mùa xuân hè, ra hoa nhiều hàng năm. Tuy nhiên, người trồng quất thường dùng biện pháp gọi là "đảo quất", nghĩa là đào toàn bộ phẩn gốc và rễ (còn nguyên cả vầng đất), để trên mặt ruộng trong 1 ngày 1 đêm hoặc hơn, với mục đích kìm hãm bớt sự sinh trưởng phát triển tự nhiên, điều tiết cho quả chín đúng vào dịp tết nguyên đán. Cây trồng được bằng hạt.

Cách trồng

Ngoài công dụng làm thuốc, quất còn là cây cảnh được ưa thích trong dịp tết nguyên đán. Trồng quất để lấy quả làm thuốc có thể để lưu niên, nhưng trồng quất làm cảnh thường thu hoạch vào cuối năm thứ hai. Nghề trồng quất hiện đang phát triển rất mạnh, nhất là ở ven các đô thị miền Bắc, cả về kỹ thuật cũng như quy mô.

Quất nhỏ cây, thời gian sinh trưởng ngắn, có thể ra hoa, quả ngay năm đầu và trồng được trong chậu, trong vườn hoặc ngoài ruộng, trước tết thì đánh cả bầu trồng vào chậu. Cây có thể nhân giống bằng hạt hoặc cành chiết. Hạt quất không có thời gian ngủ nghỉ, phơi khô mất sức nảy mầm, vì vậy sau khi thu từ quả chín cần gieo ngay. Hạt cũng có thể bảo quản bằng cách xử lý trong nước 49°c qua 10 phút hoặc dung dịch chất diệt nấm (benlato 0,3%, 10 phút), sau đó để trong cát ẩm, giữ ở nhiệt độ 4°c. Cây trồng từ hạt thường dễ thu quả vào tháng 9-10. Phương pháp này không được áp dụng rộng rãi.

Trong thực tiễn, quất được trồng chủ yếu để làm cảnh trong dịp tết âm lịch. Cách nhân giống phổ biến dùng phương pháp chiết cành. Thời vụ chiết vào tháng 3-4, đến tháng 7 - 8 thì cắt đi trồng. Không nên chiết cành quá to. Cành chiết có đường kính 1,0 - 1,5 cm, cao 45 cm là vừa. Đất trồng quất cần chọn nơi đất thoáng, nhiẻu nắng, chất đất tốt, nhiều mùn, độ pH 6,5-7. Sau khi làm đất kỹ, cần lên luống cao 40 - 50 cm, mặt luống rộng 1 - 1,2 m, trên luống đào hố với khoảng cách 80 - 100 X 60 cm (tốt nhất nên đào lệch nanh sấu). Mỗi hố bón lót 3 - 5 kg phân chuồng hoai mục và 50 - lOOg phân lân nung chảy. Đảo đều phân với đất rồi đặt cây giống thật ngay ngắn, lèn chặt gốc, tưới đẫm. Sau đó, tùy tình hình thời tiết mà tưới ẩm, làm cỏ, xới xáo. Hai ba tháng cần vét rãnh đảm bảo thoát nước. Cứ 1,5 đến 2 tháng bón thúc cho cây một lần. Tốt nhất, dùng nước phân ngâm kỹ để tưới, nhưng tuyệt đối không được tưới phân lên lá quất. Sau trồng 20 ngày, cây bắt đầu ra lộc, cần ngắt bỏ hết nụ hoa, tỉa cành, tạo tán cho tới tháng 5 năm sau. Sang năm thứ hai, mục đích chăm sóc là điều khiển để quất có quả chín vào dịp tết âm lịch. Vì vậy, ngoài việc bón thúc, ngắt bỏ nụ hoa như trên vào tháng 5-6 còn phải tiến hành đảo quất. Lần bón thúc cuối cùng trước khi đảo nên bón thêm cho mỗi cây 10 - 15g kali Sulfat.

Khi đào quất, đào một bầu cách gốc 25 - 40 cm, sâu 25 - 30 cm tùy theo cây to nhỏ, moi dần đất, không làm đứt rễ chính và vỡ bầu. Sau đó nhấc bầu lên trồng sang hố khác bên cạnh, lấp đất chặt gốc, cắm cọc chống gió bão, để vài ngày sau mới tưới. Tránh đảo quất vào trời mưa. Nếu đã đào quất lên rồi mà gặp mưa thì để bầu vào nơi khô ráo, đợi sau mưa vài ba ngày mới trồng lại. Sau khi đảo, tiếp tục làm cỏ, xới xáo, vét luống, tưới nước thường xuyên. Khi có mưa, cần tháo kiệt nước kịp thời. Từ khi cây đậu quả (sau khi rụng cánh hoa) đến tháng 12, dùng nước phân chuồng và kali Sulfat bón thúc mỗi tháng một lần. Lượng kali trung bình bón 10 - 15g/cây/lần. Không dùng kali clorua. Ngoài ra, cần dùng 250 - 300 kg vôi bột rắc 1 - 2 lần cho mỗi hecta. Rắc cách gốc 15 - 20 cm. Khi quả bằng hạt ngô, cần ngắt hết lộc để tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Nhưng trước khi mang quất đi tiêu thụ khoảng 1 tháng thì ngừng không tỉa, chỉ ngắt bỏ quả xấu.

Quất có thể bị một số côn trùng như sâu vẽ bùa, rệp, nhện, sâu đục quả hay bệnh phấn trắng gây hại. Cần phát hiện và xử lý kịp thời. Quất thường xuất bán sau 2 năm trồng. Khi xuất, cần đánh cả bầu, kích thước 25 X 30 cm. Nếu không xuất được thì đầu năm phải ngắt hết quả rồi chăm sóc như năm thứ hai.

Bộ phận dùng

Quả và hạt, thu hái khi quả chín.

Tính vị, công năng

Quả quất có vị chua, hơi ngọt, mùi thơm, tính ôn có tác dụng chỉ khát, giảm ho. Hạt quất có tác dụng cầm máu.

Công dụng

Quả quất được dùng làm thuốc chữa ho, làm nước giải khát giúp tiêu hóa. Hạt quất để cầm máu, chống nôn.

Bài thuốc có quất

1. Chữa ho : Quả quất chín 10g, hoa hồng bạch 10g, hạt chanh 10g. Tất cả rửa sạch cho vào một bát cùng với ít đường hoặc mật ong, đem hấp cơm trong 15-20 phút. Nghiền nát, để nguội, cho trẻ uống 3 lần trong ngày. Dùng 3-4 ngày.

2. Thuốc dễ tiêu : Quả quất chín 1 kg, rửa sạch, để ráo nước. Dùng kim châm sâu vào quả 5 - 6 lỗ. Cho quất vào lọ cùng với đường kính 2 kg, cứ một lớp quất lại một lớp dường. Đậy kín để trong vòng 7 ngày, được dịch sirô quất có màu vàng, mùi thơm. Khi dùng lấy 1-2 thìa to sirô quất pha với 100 ml nước đun sôi để nguội khuấy đều uống.

3. Chữa nôn ra máu: Hạt quất một chén nhỏ, bỏ vỏ, sao vàng, giã nhỏ sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2 - 3 lân trong ngày.

4. Chữa ho lâu ngày không khỏi: Hạt quất 10g, lá xương bồ 10g, hạt chanh 10g, mật gà đen 1 cái. Tất cả dể tươi giã nhỏ, thêm đường, hấp cơm, chia làm 2 - 3 lần uống trong ngày.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC