Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần Đ

Đay

14:05 19/05/2017

Corchorus spp.

Họ: Đay (Tiliaceae).

Mô tả

1. Đay quả dài (Corchorus olìtorìus L.), rau đay, đay tía, đay tây, đay rừng, đình lịch, phjăc slênh (Tày); jew's mallow (Anh), jute, chanvre de Calcutta, guimauve potagère, corette (Pháp).

Cây thảo cứng, sống hàng năm, cao l-2m, ít phân cành. Thân nhẵn, màu đỏ.Lá mọc so le, hình bầu dục, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, mép khía răng, hai răng cuối thường kéo dài, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông ở gân, sau nhẵn, gân chính 3-5; cuống lá mảnh; lá kèm nhỏ, dài. 

Hoa màu vàng, tụ họp 1-3 cái ở kẽ lá; lá đài 4-5, thuôn; cánh hoa 4-5, móng ngắn; nhị nhiều, xếp thành nhiều hàng; bầu có lông mịn.

Quả hình trụ, dài, có khía dọc rõ, nứt làm 5 mảnh; hạt hình quả lê.

Mùa hoa : tháng 7-8; mùa quà : tháng 9-10.

2. Đay quả tròn (Corchorus capsularis L.), đay trắng, đay lụa, đay ta, co dệt (Thái); white jute, dolichocarpus juic, jute plant (Anh), corchore capsulaire, jute capsulaire (Pháp).

Cây thảo nhẵn, cao l-2m. Lá mọc so le, hình mũi mác hay bầu dục, gốc tròn có tai ngắn, đầu thuôn nhọn, dài 6-10cm, rộng l,5-3cm, mép khía răng đều, gân chính 3-5; cuống ngắn; lá kèm dài.

Hoa 2-3 cái ở kẽ lá; lá đài 4-5, có lông ở gốc; cánh hoa 4-5, móng hẹp; nhị có bao phấn hình vuông; bầu có cạnh.

Quả hình cầu, có khía dọc, khi chín nứt thành 5 mảnh; hạt dẹt xếp thành hai hàng.

Mùa hoa : tháng 7-8; mùa quả : tháng 9-10

Đay và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Chi Corchorus L. có khoảng 40 loài trên thế giới, một số loài được trồng ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới làm rau ăn và lấy sợi. Ở Việt Nam, có ba loài, trong đó hai loài là cây trồng với nhiều giống khác nhau, nhất là loài thân cao lấy vỏ sợi. Đay làm rau ăn được trồng phổ biến ở tất cả các tỉnh đồng bằng, trung du và vùng núi thấp (dưới l000m). Đay cho sợi có ở các tỉnh châu thổ sông Hồng như Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình... vừa cung cấp cho thị trường trong nước, vừa để xuất khẩu. Nhìn chung, các loại đay đều là những cây ưa sáng, ưa điều kiện khí hậu nóng và ẩm. Cây sinh trưởng phát triển nhanh, ra hoa kết quả nhiều; cả vòng đời chì kéo dài 6-7 tháng. Hạt già rơi xuống đất, tồn tại qua mùa đông vẫn còn khả năng nảy mầm tốt.

Cách trồng

Trong thực tiễn sản xuất, đay được chia làm hai nhóm chính : nhóm trồng làm rau ăn và nhóm trồng để lấy sợi. Mỗi nhóm lại bao gồm nhiều giống. Hạt của cả hai nhóm và lá của nhóm đay rau được dùng làm thuốc.

Đay được gieo trồng bằng hạt. Thời vụ gieo đay nói chung ở miền Bắc Việt Nam từ 15/2 đến 20/4 hàng năm, tuỳ theo giống.

Đay rau thường gieo trong vườn. Mỗi gia đình gieo 10-20m2 để tự túc rau ăn hàng ngày. Ở những vùng chuyên canh rau, đay rau được gieo ở quy mô lớn hơn, có hộ trồng tới 1-2 sào Bắc Bộ. Đay rau có thể gieo thẳng, sau đó tỉa định cây hoặc gieo ươm, khi cây cao 20-25 cm đánh đi trồng. Để tiện chăm sóc và thu hái, đất sau khi cày bừa, làm nhỏ thường lên thành luống cao 20-25 cm, mặt luống rộng 1-1,2m. Khoảng cách giữa các cây duy trì ở mức 25-30 X 25-30cm. Đay rau dễ mọc, dễ sống, ít cỏ đại. Ngọn và lá non thu hoạch liên tục, cứ 7 đến 10 ngày thu một lứa, bắt đầu từ khi cây cao 40-50 cm cho đến lúc ra hoa (tháng 6-7). Sau mỗi đợt, ngắt bỏ hết lá già, dùng nước phân chuồng, nước giải pha loãng hoặc đạm (đung dịch 2%) để tưới cho cây.

Đay rau trồng phân tán ít thấy sâu bệnh. Trồng tập trung có thể có rệp.

Đay sợi thường tập trung thành vùng chuyên canh trên đất phù sa ven sông. Để đạt năng suất cao, cần chọn đất thịt pha cát, nhiều mùn, độ pH trung tính, thuận tiện tưới tiêu. Đất cần cày sâu, bừa kỹ, san phẳng, lên luống cao 15-20 cm, rộng 2,4 - 2,8 m. Xung quanh và giữa ruộng cần làm rãnh tưới và thoát nước. Mỗi hecta cần bón lót 5-8 tấn phân chuồng và 150kg supe lân. Trộn đều phân với đất, sau đó gieo hạt. Hạt nên gieo theo hàng, mỗi hàng cách nhau 30- 35 cm. Lượng hạt cần cho 1 ha thay đổi tuỳ giống đay và chất lượng (tỷ lệ nảy mầm) của hạt giống. Cần tính lượng hạt để gieo cho đủ, sao cho sau khi tỉa đảm bảo được khoảng cách giữa các cây trong một hàng từ 8 đến 12cm. Hạt cần rắc đều, phủ đất nhỏ dày l-2cm. Có thể dùng tro bếp để phủ. Hạt đay nảy mầm tốt nhất (sau 4-6 ngày) ở 20-30°C, độ ẩm đất 70-80%. Vì vậy, sau khi gieo cần tưới ẩm thường xuvên.

Thời kỳ đầu, cây mọc chậm. Cần tỉa, bón thúc, phòng trừ sâu bệnh và chống hạn kịp thời. Tỉa cây tiến hành 3-4 lần :

- Lần 1 tỉa khi cây cao 2-3cm, khoảng cách 2-3cm.

- Lần 2 tỉa khi cây cao 5-7cm, khoảng cách 5-7cm.

- Lần 3 tỉa khi cây cao 10-15cm, khoảng cách 8- 12cm.

Khi cây cao 1-1,5m, tỉa bỏ những cây còi cọc để tập trung dinh dưỡng cho những cây hữu hiệu.

Xới xáo, làm cỏ là biện pháp quan trọng nhằm làm cho đất tơi xốp, thoáng khí và giữ ẩm. Khi cây cao 20cm, xới nông và vun nhẹ. Khi cây cao 40-50cm, xới sâu hơn kết hợp với vun. Khi cây cao 80-100cm, xới vun cao để chống đổ. Khi xới kết hợp bón thúc đạm và kali. Cụ thể bón thúc như sau (lượng phân tính cho 1 ha). Lần 1 : đạm urê 40kg, kali clorua 30kg. Lần 2 : đạm urê 80kg, kali clorua 50kg. Lần 3 : đạm urô 30kg. Nếu dùng đạm sulfat thì bón liều lượng gấp đôi đạm urê. Kali cũng có thể không bón ở lần 1 và bón vào lần 2 (30kg) và lần 3 (50kg). Đạm có thể phun lên lá (nồng độ 2%), cứ sau một tuần phun một lần, hiệu quả cao hơn so với bón vào đất với cùng liều lượng.

Đay sợi có thể bị sâu xanh, sâu đo, sâu đục thân hại thân lá. Bệnh hại chủ yếu là bệnh đốm thân (Cercospora corchori), khô thân (Macrophomira phascoli), bệnh thán thư ịColletotrichum corchorum Irataet Tanaka), bệnh thối rễ cây non (Alternaría sp, Macrophomira phascoli), đốm Xanthomonas Nakatae, bệnh tuyến trùng (Heterodera marioni Goodey). Biện pháp phòng trừ có thể tìm thấy trong các quy trình kỹ thuật. Để hạn chế sâu bệnh, cần luân canh đay với các cây trồng khác như lúa, rau các loại, khoai, đậu,... Đay sợi thu hoạch vào lúc cây chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng. Thu hạt, cần đổ hạt già mới thu. Bộ phận dùng hạt, chủ yếu là hạt đay quả dài, được dùng làm nguyên liệu chiết xuất các glycosid tim.

Thành phần hoá học

Hạt đay quả dài có nhiều glycosid khác nhau nhưng đáng chú ý là corchorosid A và olitorisid. Corchorosid A là một monosiđ, phần aglycon là strophantidin và phần đường là boivinosc.

Olitorisid hay glucocorchorosid A là một biosid, litorisid hơn corchorosid A một đơn vị dường glucose.

Olitorisid chiếm tỷ lệ nhiều nhất (1 p 1000). Ngoài ra, còn có các glucosid tim khác như erysimosid helveticosid, olitorin và corolosiđ.

Olitorisid = strophantidin + boivinose + glucose

Corchorosid A = strophantiđin + boivinose

Erysimosid = strophantidin + digitoxosc + glucose

Helveticosid = strophantidin + digitoxose (= erysimin)

Corolosiđ = digitoxigenin + boivinose + glucose

Olitorin = strophantidol + boivinose.

Chiết xuất olitorisid : hạt đay đem loại chất béo bằng ether dầu hoả. Sau khi bốc hơi hốt dung môi, nguyên liệu được chiết với cồn 80° bằng cách ngâm ở nhiệt độ thường làm 6-7 lần, mỗi lần 3-4 giờ. Gộp dịch chiết lại và bốc hơi dưới áp suất giảm ở nhiệt độ 40-50°C đến khi thu được dung dịch sánh (100g hạt cô còn 100ml). Thêm 2 lần thể tích aceton vào dung dịch trên, một khối chất dính sẽ lắng xuống, gạn lớp dịch trong ở trên, thêm ít cồn vào tủa, khuấy, (lể yên, sau đó gộp vào dịch chiết trên, bốc hơi bớt cồn rồi pha loãng bằng nước (100ml dung dịch thẽm 160ml nước). Thêm dung dịch acetat chì 30% vào dịch chiết để kết tủa tạp chất, lọc. Loại chì thừa bằng dung dịch NaS04 15% lọc loại chì sulfat, bốc hơi dung dịch dưới áp suất giảm để làm đậm đặc rồi kết tinh lại bằng cách hoà tan trong cồn và thêm 3 lần thể tích nước. Muốn tinh chế lại thì hoà tan trong một ít cồn rồi thêm 10 lần thể tích ether và để yên 5-6 giờ. Olitorisid kết tinh, làm khô trong bình hút ẩm có p205. Tinh thể có điểm chảy 202 - 204°c [a]p = - 4,50 (trong cồn methylic). Từ glucosid toàn phần chủ yếu là olitorisid và corchorosid A có thể thuỷ phân để thu lấy strophantidin rồi đem acetyl hoá sẽ được acetvl strophantidin có tác dụng nhanh hơn.

Lá đay quả dài được dùng làm thực phẩm với thành phần trong 100 gam lá như sau : Ca 498 mg%; p 93mg%; Fe 3,8mg%; K 650mg%; acid oxalic 870ing% vit B; 0,24mg%; vit B2 0,76mg%; vit c 168mg%; provit A 7940 đvqt và vit E 14,1 d.v. quốc tế.

Tác dụng dược lý

Olitorisid có hoạt tính trợ tim. Trong lg olitorisiđ kết tinh có trung bình 63.700 đơn vị ếch hoặc 7.100 đơn vị mèo. Sau khi tiêm trước cho mèo liều olitorisid bằng 40% liều tối thiểu gây chết, lượng thuốc tích luỹ sau 24 giờ là 26% và sau 2 ngày là 10% liều tối thiểu gây chết. Tác dụng trên tim làm tăng sức co cơ tim và làm giảm nhịp tim. Olitorisid có hoạt tính sinh học trợ tim cao, gần giống hoạt tính sinh học của Strophantin K, có tác dụng chọn lọc trên hộ thần kinh-cơ của tim, làm kéo dài tàm trương, tăng sức co tâm thu, giống như strophantin. Tác dụng hướng dây thần kinh phế vị của olitorisiđ thể hiện với mức độ lớn hơn ở động vật khoẻ mạnh so với ở động vật có vữa xơ động mạch thực nghiệm. Olitorisid có tác dụng an thần rõ rệt trên hệ thần kinh trung ương.

Trong thử nhiệm lâm sàng, olitorisid có hiệu quả điều trị thiểu năng tuần hoàn trên 2/3 số bệnh nhân theo dõi. Tác dụng tốt nhất ở bệnh nhân suy năng tuần hoàn dộ II, tác dụng kém hơn và đôi khi hoàn toàn vô hiệu ở suy năng tuần hoàn độ III, đặc biệt thuốc kết hợp trong trường hợp nàv với sự biểu hiện đột ngột thiểu năng hô hấp. Thời gian điều trị với olitorisid tuỳ theo từng cá nhân và phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, đã thấy tác dụng tốt nhất khi dùng liều 0,4mg. Việc dùng trong thòi gian dài liều này không gây biểu hiện tích luỹ. Olitorisid có tác dụng lợi tiểu đáng kể. Trong thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân có thiểu năng tuần hoàn mạn tính, nó có hiệu quả nhiều nhất trên bệnh nhân có bệnh thấp khớp biến chứng tim, xơ cứng tim, với nhịp tim nhanh nút và nhịp tim nhanh tâm thu trong thiếu hụt mạch nặng.

Olitorisid có tác dụng làm sức khoẻ của bệnh nhân tốt hơn, làm giảm khó thở, hết phù và hết hiện tượng ứ trệ ở gan và phổi, làm tăng tốc độ tuần hoàn máu, bình thường hoá huyết áp tĩnh mạch. Nó cũng được dùng cho những bệnh nhân vữa xơ động mạch vành với đau thắt ngực đổ chống lại thiểu năng tuần hoàn, với liều 0,2-0,4mg một lần trong ngày, tiêm chậm tĩnh mạch trong 20ml dung dịch 40% glucose. Đợt điều trị trung bình là 20-25 mũi tiêm. Olitorisid đặc biệt có ích trong suy năng tim mạch có kèm theo ngoại tâm thu, có tác dụng cải thiện đối với nhịp hô hấp, dung tích sống của phổi, kích thước gan, lưu lượng máu, điện tâm đồ và vectơ điện tâm đồ. Olitorisid gây ở một số ít bệnh nhân những tác dụng không mong muốn như cảm giác sung huyết, có tiếng ù trong đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, đau ở vùng tim.

Corchorosid có tác dụng trợ tim và an thần trên hệ thần kinh trung ương. Thử nghiệm trên mô hình tim động vật ở nguyên vị trí, corchorosiđ làm giảm nhịp tim rõ rệt, làm tăng trương lực cơ tim và có tác dụng kém hơn làm tăng biên độ co bóp của tim. Tác dụng trên điện tâm đồ thỏ giống như nhũng glycosid trợ tim khác. Corchorosid có mức độ tích luỹ yếu và có tác dụng lợi niệu mức độ vừa.

Trong thử nghiệm trên lâm sàng, corchorosid có hiệu lực và thời gian xuất hiện tác dụng nhanh tương tự strophantin, có thể dùng điều tri những biểu hiện của thiểu năng tuần hoàn máu. Nó có tác dụng trợ tim tốt trên bệnh nhân suy năng tim mạch và có tác dụng lợi tiểu. Tác dụng lợi tiểu rõ rệt hơn trong suy tim mất bù độ II do bệnh thấp tim và xơ cứng tim do vữa xơ động mạch. Tác dụng lợi tiểu kém hơn ở bệnh nhân suy năng tim-phổi và suy năng tuần hoàn dộ III, đặc biệt đã nhiều lần tái phát sự mất bù trong tiền sử bệnh. Tác dụng lợi tiểu của corchorosid luôn kèm theo sự tăng thải trừ của natri clorid và urê trong nước tiểu. Tác dụng lợi tiểu có ảnh hưởng tốt đến quá trình diễn biến của bệnh.

Corchotoxin có tác dụng trợ tim giống như genin nhóm Digitalis, nhưng không mạnh bằng.

Công dụng

Nhân dân thường dùng rau đay nấu canh ăn hoặc làm thuốc mát, bổ, chữa táo bón, ho. Cây đay quả dài cho hai vị thuốc : lá non làm tăng tiết sữa; hạt có tác dụng lợi tiểu mạnh, dược Tuệ Tĩnh dùng thay đình lịch chữa bệnh cổ trướng, phối hợp với các vị khác. Để lợi sữa, dùng 30-50g lá đay non sắc uống. Hoặc ăn rau đay hàng ngày sau khi đẻ, tuần đầu tiên ăn 150-200g vào mỗi bữa ăn chính, các tuần sau, mỗi tuần ăn hai lần với liều 200-250g, thì lượng sữa và tỷ lệ chất béo trong sữa tăng. Nhân dân ta ít dùng đay quả tròn để ăn hay làm thuốc, mà thường lấy vỏ làm sợi dệt bao tải. Rễ đay quả tròn 8-16g là thuốc lợi tiểu.

Nhân dân Ấn Độ dùng lá đay quả tròn để làm dễ tiêu, nhuận tràng, kích thích trị đầy hơi. Lá khô sắc uống trị lỵ. Lá đay quả dài dùng làm dịu, bổ và lợi tiểu. Hạt đay quả dài có tác dụng tẩy. Sợi đay chải kỹ được dùng làm chất cơ bản cho băng bó phẫu thuật sát khuẩn. Nhân dân Malaysia dùng lá đay chữa lỵ và ho trẻ em.

 

Bài thuốc có đay

1. Chữa tràn dịch màng phổi :

Hạt đay 8g, ý dĩ 16g; tỳ giải, mộc thông, huyền sâm, thổ phục linh, bách bộ, mỗi vị 12g; hạt bìm bìrn, rễ cỏ tranh, hạt mã đề, mỗi vị 8g. sắc uống.

2. Thuốc mát, nhuận tràng, chữa táo bón :

Rau đay 100g, rau mồng tơi 50g, khoai sọ 2 củ; rửa sạch, thái nhỏ, nấu ăn trong ngày. Dùng 2-3 ngày.

3. Chữa rắn cắn :

Ngọn rau đay, nõn chuối tiêu, dây kim cang, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, bã đắp.

4. Chữa hen :

Hạt đay 12g (giã nát, sao); xơ mướp 20g (băm nhỏ, sao). Sắc uống làm 2 lần trong ngày.

5. Chữa cổ trướng :

Hạt đay 12g (sao); vỏ rễ dâu 24g, vỏ quýt lâu năm 12g, gừng sống 3 lát. sắc uống (Nam dược thần hiệu).

 

 

 

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC