Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599
Hotline: 0915.913.255; Zalo: 0903 428.599

Vị thuốc vần K

Ké Hoa Vàng

14:05 19/05/2017

Ké Hoa Vàng có tên đồng nghĩa :Sida alntfolia Lour.

Tên Khác :Ké đồng tiền, chổi đực, bạch bối hoàng, khắt bó lương (Thái).

Tên nước ngoài :Queensland hemp, spinyhead sida, southern sida, broom weed (Anh); sida jaune, herbe dure, herbe à balais (Pháp).

Họ :Bông (Malvaceae).

Mô tả

Cây nhỏ, dạng bụi, cao chừng lm. Thân và cành có lông ngắn hình sao. Lá mọc so le, hình bầu dục hay hình quả trám, dài 1,3 - 2,5 cm, rộng 1 - 2,5 cm, gốc thuôn, đầu tù, mép có răng tròn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông ngắn hình sao; lá kèm hình chỉ.

Hoa màu vàng, mọc đơn độc ở kẽ lá, có cuống dài; đài 5 răng hàn liền có lông trắng mềm ở mạt ngoài, lông hình sao ở mặt trong; tràng 5 cánh rời có ít lông ở gốc; nhị 20, tụ họp thành cột có lông rậm hình sao; bầu có lông.

Quả nang, có sừng nhọn; hạt có lông.

Mùa hoa quả : tháng 10 - 12.

Ké Hoa Vàng và tác dụng chữa bệnh của nó

Phân bố, sinh thái

Sida L. là một chi lớn có nhiều loài, phân bố rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới, trong đó một vài loài được dùng làm thuốc hoặc trồng lấy sợi (vỏ thân). Sản lượng sợi của các loài này tới 3-8% tổng các loại sợi tự nhiên trên thế giới. Ở Việt Nam, chi này có 9 loài, trong đó ké hoa vàng là cây gặp phổ biến nhất ở tất cả các tỉnh đồng bằng, trung du và miền núi.

Cây thường mọc rải rác hay thành đám nhỏ lẫn với các cây bụi, cỏ thấp ở các bãi trống, nương rẫy bỏ hoang, đồi và ven đường đi. Độ cao phân bố tới 700 m ở Ấn Độ, và Nepal, độ cao có thể đến 1800 m. Cây còn phân bố phổ biến ở Lào, Camphuchia, Nam Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... Ké hoa vàng là cây ưa sáng, chịu hạn tốt do có bộ rễ khoẻ.

Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, kể cả loại đất đồi cằn cỗi, ra hoa quả nhiều hàng năm. Khi quả chín, tự mở cho hạt rơi xuống đất. vỏ quả có gai móc dễ vướng vào quần áo, lông động vật, phát tán xa. Tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt; tái sinh cây chổi khoẻ sau khi chặt. Trồng được bằng hạt, sau 130 ngày có thể thu hoạch vỏ lấy sợi. Khi trồng, người ta thường gieo dày cho cây mọc thẳng, ít phân cành.

Bộ phận dùng

Phần trên của mặt đất, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi khô.

Thành phần hóa học

Phần trên mặt đất và rễ ké hoa vàng chứa cholin, betain, ß - phenethylamin, quinazolin, carboxyl tryptamin. Lá chứa acid myristíc, acid stearic, acid palmitic, aciđ oleic, acid linoleic, nhiều acid amin : lysin, histidin... Hạt chứa acid malvalic, acid sterculic. (Trung dược từ hải III, 1997).

Tác dụng dược lý

Trong thử nghiệm về tác dụng bảo vệ chống viêm gan gây bởi carbon tetraclorid, paracetamol và rifampicin, cao chiết từ ké hoa vàng thể hiện tác dụng bảo vệ gan đáng kể, có so sánh với thuốc chuẩn silymarin. Dịch chiết nước có tác dụng mạnh nhất. Toàn cây có tính chất ức chế co thắt hổi tràng cô lập chuột lang gây bởi acetylcholin và histamin, dạng thuốc thử là cao chiết với cồn 50°. Cao rễ cây có hoạt tính chống sốt rét in vivo chống Plasmodium berghei.

Tính vị, công năng

Ké hoa vàng có vị cay ngọt, tính mát, có tác dụng làm ra mồ hôi nhẹ, giảm cảm, phong nhiệt, làm tan máu ứ, tiêu sưng.

Công dụng

Ké hoa vàng được dùng chữa cảm cúm, cảm mạo, sốt, tiểu tiện nóng đỏ hay vàng sẫm, viêm họng, viêm ruột, lỵ, mụn nhọt. Liều dùng 20 - 40g dược liệu khô sắc uống. Dùng tươi giã đắp, chữa mụn nhọt lỏ ngứa. Ở Ấn Độ, ké hoa vàng được coi là có tác dụng tốt trong điều trị lao phổi và thấp khớp. Lá hãm uống thay chè.

Thân cây chứa dịch nhầy được dùng làm thuốc giảm đau, làm dịu, chữa bênh da, làm thuốc lơi tiểu và trị sốt. Rễ trị thấp khớp và khí hư. Để chữa sốt rét, lấy rễ ké hoa vàng tán bột, uống mỗi lần 5g, ngày 3 lần, trong 3 ngày. Ở Nepal, nhân dân dùng rễ ké hoa vàng làm thành bột nhão uống để trị khó tiêu, và dùng nước ép cây bôi trị nhọt. Ớ Indonesia, nước hãm của hoa ké hoa vàng và hoa ké hoa đào pha với sữa dừa uống để chữa thủy đậu và sốt. Ở Australia, nhân dân địa phương dùng ké hoa vàng tri bệnh về mật và thấp khớp.

Bài thuốc có ké hoa vàng

1. Chữa nhọt mủ, sưng chín mé: Lá ké hoa vàng, lá cỏ xước, mỗi vị 50g. Rửa sạch, lấy 25g mỗi thứ, giã nát, đắp lên vết thương. Nửa còn lại phơi khô, sắc với 400 ml nước, còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày. Ngày làm một lần.

2. Chữa kém ăn, mệt mỏi, đau nhức, mất ngủ, phù nề ở phụ nữ mới đẻ: Cả cây ké hoa vàng, nhân trần, thân và rễ mộc thông, rễ móc điều, mỗi vị 20g, sao vàng, sắc uống. Phụ nữ có thai không được dùng.

3. Chữa dị ứng, mẩn ngứa: Ké hoa vàng (cành lá có hoa) 50g, lá thồm lồm 50g, lá trầu không 30g. Dùng tươi, giã nhỏ, lấy cả nước lẫn bã xát nhẹ lên vết mẩn. Ngày làm 1-2 lần.

4. Chữa kiết lỵ: Rễ ké hoa vàng, rễ xích đồng nam, mỗi vị 20g. sắc uống trong ngày. Dùng 3-4 ngày.

5. Chữa tiêu chảy trẻ em: Mỗi gói chè ké hoa vàng có lá ké hoa vàng 7g, lá bù xích 5g. Mỗi lần dùng 6g, hãm với 150 ml nước sôi trong 15 phút. Ngày uống 2-3 lần.

6. Chữa ban chẩn: Ké hoa vàng 8g, rễ lá lức 10g; cỏ mần trầu, cát căn, đậu chiều, dây giác tía, mỗi vị 8g, kinh giới 6g, cam thảo đất 5g, bạc hà 4g, gừng sống 3 lát. sắc uống ngày một thang.

DANH MỤC CÁC VỊ THUỐC